Nhằm phát huy sức trẻ trong khôi phục, bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, ngày 6/6/2023, Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) phối hợp với CLB Bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho đoàn viên thanh thiếu nhi năm 2023.

Tham gia lớp học có 40 học viên, là những đoàn viên thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương. Lớp học dự kiến mở trong vòng 2 tháng, mỗi tuần 1-2 buổi học. 

Các nghệ nhân, nhạc công  truyền dạy những kiến thức cơ bản  sử dụng nhạc cụ dân tộc cho đoàn viên thanh thiếu nhi.

Tại lớp học các học viên sẽ được các nghệ nhân, nhạc công bồi dưỡng, truyền dạy những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao kỹ năng sử dụng nhạc cụ dân tộc như: Sáo ngang, khèn bè, sáo Mông, đàn tùng tinh, xập xèng… 

 Việc mở lớp truyền dạy các nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được học tập, được thỏa mãn niềm đam mê.  

Thông qua lớp học nhằm tổ chức sân chơi bổ ích, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo cơ sở kế cận để đưa các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến với thế hệ trẻ.

Đồng thời, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Tương Dương hiện có 6 dân tộc sinh sống gồm: Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Poọng. Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc ở Tương Dương được triển khai với nhiều hình thức. 

Ngoài việc mở lớp dạy miễn phí, nhiều địa phương còn thành lập CLB văn hoá, văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Mới đây, bản Khe Ngậu (xã Xá Lượng) đã cho ra mắt CLB “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Thái” với mục đích nhằm truyền lại và phổ biến rộng rãi trong toàn thể nhân dân, nhất là đối với lớp trẻ về các làn điệu dân ca như: Xuối, khắp, lăm, nhuôn các làn điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Đây là một hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã, được thành lập với tổng số 20 hội viên.

CLB có nhiệm vụ sưu tầm, biên soạn, viết lời mới; biểu diễn các tác phẩm hay mang đậm bản sắc hóa văn Thái, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái. CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng 1 lần. 

Đình Thành và nhóm PV, BTV