Từ năm 2016, phố Lê Trọng Tấn được cải tạo nhiều hạng mục như mở rộng đường gấp 3 lần, trồng thêm cây xanh, đồng bộ biển quảng cáo... với kỳ vọng trở thành tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên, sau 6 năm, tất cả những thay đổi trên đã biến mất.
Thời điểm mới cải tạo, các hộ kinh doanh được chỉ định lắp biển quảng cáo màu xanh và đỏ để đồng bộ toàn con phố. Nay đa số chủ cửa hàng đã thay đổi do nhu cầu quảng cáo cần sự khác biệt, dễ nhận dạng. Một số tiệm còn giữ lại màu biển hiệu nhưng về phông chữ và cách thiết kế đã mạnh ai nấy làm.
Chị Vũ Hoài Phương (42 tuổi) kinh doanh quần áo tại phố Lê Trọng Tấn đã hơn 10 năm nay, chia sẻ: "Tôi thấy nếu chỉ sử dụng hai màu xanh và đỏ để quảng cáo thì hơi đơn điệu. Mỗi hàng cần có một điểm nhấn thì khách hàng mới dễ nhớ". Hiện chị vẫn cho giữ nguyên biển hiệu màu đỏ từ khi thực hiện thí điểm phố kiểu mẫu.
Hai vỉa hè hai bên phố Lê Trọng Tấn chỉ có một bên cho phép kinh doanh, bên còn lại sát bờ tường doanh trại quân đội. Nhiều người cho rằng tuyến phố kiểu mẫu không thể có cảnh đá lát vỉa hè bị bung lâu ngày không được sửa chữa như thế này.
Dọc tuyến phố có nhiều đoạn vỉa hè gồ ghề, đi lại dễ vấp ngã.
Một cửa hàng bày sạp ra vỉa hè để kinh doanh, khung cảnh mua bán nhốn nháo, người đi bộ mất lối.

Hàng chục bốt điện dọc phố Lê Trọng Tấn ngập rác thải hoặc bị bôi bẩn, dán tờ rơi.

Những bức tranh cổ động được thay thế bằng banner quảng cáo. 
Thùng rác công cộng trơ trọi giữa con phố kiểu mẫu. 
"Ngoài những hạng mục xuống cấp, điểm cộng của phố này là hàng cây xanh và lòng đường sạch sẽ. Nếu để đánh giá chuẩn kiểu mẫu tôi nghĩ chưa tới", người đàn ông áo xanh (sinh sống tại phố Lê Trọng Tấn) chia sẻ.
Đến giờ tan tầm, tình trạng ùn tắc giao thông luôn diễn ra ở tuyến phố này.