Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, sức dân đã được phát huy mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, với sự phát triển của các tổ tự quản ở các khu dân cư hiện nay, vị trí chủ thể của người dân càng được khẳng định.
Trên tinh thần tự nguyện, tự giác, các tổ tự quản đã phát huy vai trò cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân. Các hoạt động ngày càng đi vào thực chất, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Qua đó đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp toàn dân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Động viên nhân dân chủ động chung tay, góp sức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Tiêu chí về môi trường được xem là một trong những tiêu chí khó bởi liên quan đến ý thức, thói quen của đông đảo người dân trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, khó khăn này đã dần được tháo gỡ khi Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện phong trào bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sự phối hợp của tổ tự quản với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo ra sự thay đổi, chuyển biến và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện Tiêu chí môi trường gắn với phong trào “Tuyên Quang chung tay phân loại rác thải và chống rác thải nhựa”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhiều cách làm sáng tạo trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, vấn đề phân loại rác thải và ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên. Đặc biệt, sự hoạt động hiệu quả của các tổ nhân dân tự quản, phong trào này đã được duy trì thành nền nếp tại các khu dân cư.
Trong hơn một năm qua, xã Tràng Đà đã thành lập và nhân rộng được 9 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Các thành viên trong tổ, nhóm tự quản bao gồm Trưởng ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, hộ dân tiêu biểu của xóm làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây bể xử lý rác thải hữu cơ, góp phần hạn chế rác thải nhựa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
100% các tổ tự quản đã xây dựng quy chế, phân công các thành viên của tổ tự quản phụ trách các nhóm hộ gia đình. Phối hợp tổ chức phát trên 3.000 tờ rơi tuyên truyền, tài liệu hướng dẫn về phân loại rác thải và chống rác thải nhựa. Tổ chức ký cam kết thi đua hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.
Ở nhiều tuyến đường của xã Tràng Đà, người dân thực hiện việc phân loại rác tại nguồn (rác thải hữu cơ và vô cơ) vừa tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xử lý rác thải, vừa hạn chế được tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường. Cùng với đó, việc vệ sinh hàng tuần, hàng tháng được duy trì tại các khu dân đã góp phần xây dựng môi trường đô thị trên địa bàn xã sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hàng năm, nhân dân đã đóng góp hàng chục triệu đồng để chi trả kinh phí thuê xe thu gom xử lý rác thải trong khu dân cư. Đến nay trong xã đã có hàng chục tuyến đường bê tông hóa, được người dân điểm tô bằng nhiều loại hoa, cây cảnh.
Đến với các vùng quê nông thôn của Tuyên Quang hiện nay, hầu hết các tuyến đường bê tông, đường ngõ xóm đều sạch đẹp. Các tuyến đường hoa được chăm sóc thường xuyên đã tạo nên sức sống cho các khu dân cư. Có được kết quả này là bởi hàng tuần, hàng tháng, tại các tất cả các thôn, xóm, người dân đều đồng loạt vệ sinh môi trường, trồng, chăm sóc hoa hai bên đường.
Với hơn 2.260 tổ nhân dân tự quản về bảo vệ môi trường hoạt động tích cực tại các xã trên địa bàn tỉnh, các vấn đề như vứt rác thải bừa bãi, xử lý rác thải ra môi trường nông thôn đã được hạn chế và giải quyết, góp phần giúp các xã xây dựng thành công các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.
Ngoài các tổ tự nhân dân tự quản về công tác bảo vệ môi trường, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.760 mô hình tự quản tại các khu dân cư về phát triển kinh tế. Với nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, qua đó, phát huy tính tự chủ, tự quản của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Để các tổ tự quản nhân dân đi vào hoạt động có nền nếp, Ban Công tác mặt trận ở cơ sở luôn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể để lựa chọn nội dung xây dựng mô hình tự quản trên địa bàn khu dân cư.
Trọng tâm là xác định những công việc cụ thể, biện pháp cần phải thực hiện để nhân dân thảo luận, cam kết triển khai thực hiện. Mặc dù không có phụ cấp nhưng các tổ trưởng, tổ phó ở nhiều nơi đã hoạt động tích cực, năng động, sáng tạo. Đội ngũ này đã chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Các tổ, nhóm tự quản họp thống nhất triển khai kế hoạch của xã; phân công các thành viên trong tổ, nhóm tự quản phụ trách các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.
Xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên là địa phương phát huy tốt vai trò tổ tự quản trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trên địa bàn xã đã xây dựng được 41 mô hình tổ tự quản ở 22 khu dân cư. Thực hiện tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, hiến đất, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Các thành viên của tổ tự quản đã phối hợp với Công an xã thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn. Tổ tự quản đã góp phần phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp, các vụ việc vi phạm hành chính, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phản ánh đến cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Đồng thời, phối hợp ngành chức năng tham gia hòa giải, không để xảy ra những vụ việc phức tạp, kéo dài.
Có thể thấy, mô hình về xây dựng các tổ tự quản bảo vệ môi trường, an đã ninh trật tự đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.