Những năm qua, UBND tỉnh Tuyên Quang cùng ngành chức năng đã có nhiều chính sách đồng hành cùng các hợp tác xã. Điển hình là việc ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, làm điểm tựa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Cũng nhờ sự hỗ trợ tích cực này mà nhiều sản phẩm OCOP đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, qua đó giúp Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, người dân, các chủ thể hưởng ứng tham gia.

anh man hinh 2024 03 03 luc 090103.png
Hợp tác xã tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. 

Thành lập tháng 5/2013, đến nay, Hợp tác xã Ong Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận bởi nhiều sản phẩm chất lượng, độc đáo.

Hiện nay, với quy mô trên 13 nghìn đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã Ong Phong Thổ xuất ra thị trường khoảng 300 - 400 tấn mật ong, 10 - 15 tấn phấn hoa, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 40 lao động, trong đó có nhiều lao động là người dân tộc Tày, Dao, Mông với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh sản phẩm chính là mật ong hoa rừng, hoa nhãn, hoa vải, hợp tác xã còn có mật ong hoa bạc hà từ cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Năm 2017, anh Nguyễn Công Sử, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cùng 6 gia đình cũng đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, chuyên trồng, chế biến chè. Sau hơn 6 năm phát triển, hợp tác xã đã nâng diện tích sản xuất lên hơn 30 ha chè, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó chủ yếu là người dân tộc Cao Lan, Tày, Sán Dìu, Mông. Cùng với đó, hợp tác xã đã xây dựng diện tích 60 ha liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang.

Có thể thấy, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân, nhiều nông sản của tỉnh Tuyên Quang phát triển theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành, như: mô hình cây ăn quả có múi, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, hợp tác xã rau an toàn, cá đặc sản…

Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chương trình OCOP cũng giúp làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với định hướng thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Khánh Vy