Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, tổng diện tích tự nhiên 5.800 km2. Dân số trên 75 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số toàn tỉnh.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 8 dân tộc số dân đông hơn cả là Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, Hoa, Mông, Sán Dìu. Những giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Tuyên Quang lung linh, huyền ảo, đa sắc màu văn hóa, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi thay đáng kể. Cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế sản xuất, nâng cao đời sống. Ở vùng sâu, vùng xa, đời sống văn hoá tuy còn thấp so với đô thị và đồng bằng, nhưng đã có những cải thiện rõ rệt; công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá của các dân tộc thiểu số có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. 

Điệu múa đặc sắc của dân tộc Cao Lan

Nhiều dự án về sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá được thực hiện, hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đối với 16/26 dân tộc, gồm: Dân tộc Kinh, Tày, Dao, Mông, Sán Chay, Nùng, Sán Dìu, La Chí, Pà Thẻn, Cờ Lao, Ngái, Mường, Giáy, Pu Péo, Hoa, nhóm người Thủy; việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được tăng cường, công tác đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn hoá ở cơ sở được chú trọng; một số di sản văn hoá của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh, đến năm 2015 có 07 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Kéo co truyền thống của dân tộc Kinh; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan.

Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích được xếp hạng quốc gia như: thành Tuyên Quang, Đền Hạ,… Đặc biệt, với trí tuệ sáng tạo và đôi tay khéo léo con người xứ Tuyên làm nên một lễ hội đặc sắc là lễ hội Thành Tuyên - điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương Xứ Tuyên đến bạn bè, du khách gần xa được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.  

Hiện toàn tỉnh có 2.600 tổ, đội văn nghệ; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tỉnh đã triển khai thực hiện một số đề tài khoa học: Nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Sán Dìu, dân tộc Tày, dân tộc Cao Lan; phục dựng lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ hội đình Minh Cầm của dân tộc Cao Lan...; nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Với khát vọng xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh” là một trong ba khâu đột phá, trong đó gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những giải pháp quan trọng. Với chủ trương của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và cả hệ thống chính trị, chắc chắn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ ngày càng được phát huy góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đưa Tuyên Quang phát triển giàu mạnh, tiến bộ, hạnh phúc.

Văn Hùng, Ngọc Quý, Bạt Tuấn