Qua hơn hai năm thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tuyên Quang đã giảm được 8,49% (từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 19,32% cuối năm 2017), tương đương 16.183 hộ gia đình đã thoát nghèo; tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm đạt 4,25% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra), trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân ở các xã thuộc Chương trình 135 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 6%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

{keywords}
Tuyên Quang tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Theo phê duyệt của chính phủ về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá và bền vững của vùng Trung du và miền núi phía bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lớn, chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững, tiến tới giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, xóa bỏ sản xuất tự cung, tự cấp nhỏ lẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Để sớm hoàn thành mục tiêu trong năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khoảng 10% ; không còn hộ nghèo thuộc đối tượng hộ chính sách, người có công với cách mạng, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo tiếp tục phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá tập thể và cá nhân hằng năm.

Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.

Rà soát chính xác nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp giảm nghèo xác thực, phù hợp, hiệu quả, theo đúng nguyên nhân; phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ từng hộ với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo phải được thực hiện công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của người dân.

Huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường... Nâng cao vai trò của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp.

Khuyến khích thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác; thu hút các doanh nghiệp về vùng nông thôn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh cam kết sử dụng một tỷ lệ nhất định lao động địa phương thuộc hộ nghèo.

Ngọc Dũng