W-z4861004617726-6262d1c2003ccc7e9bf0adc7692426bd-1.jpg
Hội LHPN tỉnh Nghệ An phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Vệt Nam tổ chức truyền thông tại cộng đồng về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. 

Đưa nhân vật thực tế, câu chuyện thực tế để tuyên truyền

Là người từng tham gia vào đường dây môi giới người qua biên giới bất hợp pháp, dù chưa kịp thực hiện hành vi nhưng chị P.T.H. ở xã Y.N (huyện Tương Dương) vẫn bị bắt và phải ngồi tù 2 năm. Sau khi được trở về địa phương, cứ tưởng rằng mọi người sẽ xa lánh mình nhưng chị P.T.H không ngờ chính Hội Phụ nữ xã đã giúp đỡ chị hoà nhập cộng đồng bằng cách vận động chị tham gia các hoạt động của hội, rồi tạo điều kiện để chị vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nhận thức được cái sai của mình mà nguyên nhân chính cũng là do thiếu hiểu biết về pháp luật, bị đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, chị P.T.H đã xung phong làm tuyên truyền viên của hội để kể về bản thân mình, bởi chính chị là câu chuyện thực tế nhất để cảnh báo cho các chị em hội viên cũng như bà con nhân dân trong xã về những âm mưu, thủ đoạn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng.

Tương Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của Tỉnh Nghệ An, phụ nữ chiếm 51% dân số và chiếm 48% lực lượng lao động. Toàn huyện có 12.488 hội viên, trong đó có 11.661 là hội viên người dân tộc thiểu số. 

Là huyện nghèo của tỉnh, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều, nên việc vi phạm các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn mua bán người vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới.

Trước tình hình này, vào đầu năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An ra mắt mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” làm điểm tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, với 14 thành viên là các chi hội trưởng ở cấp cơ sở.

Theo đó, mô hình thường xuyên duy trì và tổ chức các đợt sinh hoạt theo định kỳ với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, hái hoa dân chủ, giao lưu văn nghệ, đánh giá về kết quả hoạt động của câu lạc bộ, trong đó tập trung vào công tác rà soát số hội viên hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình giúp ổn định cuộc sống, hỗ trợ ngày công cho các gia đình đơn thân, ốm đau lâu dài,…

Trong đó, mô hình đặc biệt chú trọng đến hoạt động liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp, thường xuyên nắm chắc số đối tượng tình nghi liên quan đến các hoạt động trên để theo dõi; thống kê những người đi làm ăn xa để nắm và quản lý. 

Sau 7 năm thực hiện, mô hình đã phát huy được hiệu quả và thu hút nhiều hội viên tham gia. Năm 2014 có gần 180 người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, tuy nhiên, sau khi mô hình triển khai hoạt động thì hiện nay trên địa bàn không còn xảy ra hiện tượng đi lao động “chui” nữa. Từ 14 thành viên ban đâu, đến nay, mô hình đã có 97 thành viên; tổ chức được hơn 60 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia.

Thấy được hiệu quả từ mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Tương Dương tiếp tục nhân rộng mô hình.

Đến nay, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có 5 mô hình hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người tại các địa bàn được coi là điểm nóng của tệ nạn xã hội, như xã Tam Quang, Lượng Minh, Xá Lượng, Nga My và Yên Hòa với hơn 300 thành viên. 

Để đạt được những kết quả đó, ngoài việc tổ chức sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ, các đơn vị còn đặc biệt vận động những chị em là nạn nhân bị mua bán trở về, hoặc những chị em chưa bị mua bán nhưng là đối tượng bị lừa đi lao động để làm tuyên truyền viên cho Hội. Đó chính là những câu chuyện thực tế nhất để bà con nhân dân cũng như chị em hội viên hiểu rõ tính chất nguy hiểm của việc đi lao động “chui” hay việc thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả phải gánh chịu. 

Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho chị em phụ nữ miền núi

W-z4861025850235-5d4a72193ffc83860aad93c82c3a08cf-1.jpg
Hội LHPN tỉnh tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Không riêng gì huyện Tương Dương, tại Nghệ An, những năm gần đây, các mô hình tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, nhất là đối với các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, được Hội LHPN tỉnh triển khai đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền.

Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc ở miền núi là một trong những mục tiêu được các cấp Hội phụ nữ Nghệ An quan tâm. Và sự ra đời của các mô hình, các câu lạc bộ pháp luật nhằm góp phần thực hiện mục tiêu này.

Đơn cử như mô hình “Phòng, chống mua bán người” tại xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu), xã Phú Sơn  (huyện Tân Kỳ); mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”; mô hình "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương), xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương).v.v.. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập và nhân rộng trên 500 câu lạc bộ, mô hình tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống mua bán người; phòng ngừa di cư trái phép… nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em.

Định kỳ mỗi tháng, mỗi quý, các câu lạc bộ, mô hình trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức cho các thành viên sinh hoạt. Báo cáo viên là những tuyên truyền viên pháp luật của xã, huyện và tỉnh về tư vấn, giải đáp cho các thành viên những vấn đề còn vướng mắc về các lĩnh vực để từng bước nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật cho chị em.

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh Nghệ An, việc thành lập các mô hình, các câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho hội viên phụ nữ và nhân dân, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các hội viên để từ đó giúp cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân từng bước hình thành nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Trong quá trình thành lập các mô hình, câu lạc bộ, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các các Hội lựa chọn các loại hình câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu, sở thích, đặc thù của từng vùng, miền, lồng ghép với nội dung sinh hoạt Hội nhằm tập hợp, thu hút chị em vào sinh hoạt đạt kết quả cao nhất. 

Nhờ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ thường xuyên, nhận thức pháp luật của chị em dân tộc thiểu số, ở miền núi, vùng sâu đã được nâng lên một bước. Điều đáng mừng là có những hội viên, sau khi nhận thức được việc làm của mình chưa đúng, đã trở thành thành viên tích cực của câu lạc bộ trong việc tuyên truyền cho người thân và cộng đồng không vi phạm pháp luật.

“Đây chính là mục tiêu Hội LHPN tỉnh đề ra đối với các mô hình, câu lạc bộ là tuyên truyền cho gia đình, người thân và người dân chấp hành pháp luật, kỷ cương; xây dựng gia đình hạnh phúc, có đời sống kinh tế phát triển và thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; đoàn kết, tương trợ nhau trong thôn xóm, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật”, chị Phan Thị Anh Tâm, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên Giáo – Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh Nghệ An khẳng định.

Ngô Thế Vinh, Trần Thị Thu Hằng, Lan Anh, Lê Thị Hạnh