Việc đoàn Trung Quốc rải tờ rơi tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền không thể chối cãi của họ tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là cách tuyên truyền trắng trợn và xa lạ với những diễn đàn ngoại giao hay học thuật mang tầm quốc tế như Shangri-La.
Bài 1: Những "bất thường thú vị" tại Shangri-La 2016
Những tờ rơi ngạo ngược
Ông Koh Chin Yee, CEO của Singapore Longus Research Institute (Viện Nghiên cứu Longus Singapore) đánh giá rằng “Đối thoại Shangri-La là một cầu nối, tạo ra cơ hội cho các quan chức quân sự gặp mặt và thảo luận các vấn đề an ninh. Trong các phiên mở, các quan điểm riêng đã được thể hiện, thậm chí là tranh luận, nhưng trong các cuộc gặp mặt kín, họ đã giao tiếp trực tiếp, hầu như sẽ giúp tăng cường hợp tác và lòng tin”.
Những diễn tiến tại Shangri-La 2016 đã phản ánh một phần điều đó. Các ý kiến đều được các bên thể hiện rõ ràng, và công khai, tuy có một số ngoại lệ nhất định.
Sau một diễn đàn đa phương, Mỹ-Trung sẽ tiếp tục “chạm mặt nhau” trong một cơ chế khác mang tính song phương. Ảnh: CSIS |
Đầu tiên là việc đoàn Trung Quốc phát tờ rơi gồm hai bản tiếng Anh, lẫn tiếng Hoa. Nội dung tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền không thể chối cãi của họ tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là một cách tuyên truyền trắng trợn, trực tiếp, xa lạ với những diễn đàn ngoại giao hay học thuật mang tầm quốc tế, cũng như mong muốn hướng đến một phương thức ứng xử văn minh giữa các quốc gia với nhau.
Như lời của đại diện đoàn Việt Nam Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề: “(vì đây là một diễn đàn mở, minh bạch, thế giới đều lắng nghe), có việc gì thì lên diễn đàn nói, đừng nên phát tờ rơi như thế này”.
Vụ tờ rơi là một chấm đen trong một bức tranh xám màu hơn, mà đỉnh điểm là cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc, một sự kiện luôn là tâm điểm của đối thoại.
Lời qua tiếng lại
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã bắt đầu bài diễn văn với việc cảm ơn đơn vị tổ chức và nước chủ nhà, sau đó nói về các hoạt động gần đây, cũng như các xu hướng khu vực. Ông Carter lo ngại về các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, chương trình hạt nhân Triều Tiên và chủ nghĩa cực đoan đang lan rộng. Ông Carter cũng đánh giá tích cực về sự hợp tác và đối thoại trên thế giới, với các hoạt động do Mỹ tổ chức và lãnh đạo, trong việc thúc đẩy an ninh chuẩn tắc, cũng như giải quyết các vấn đề an ninh trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á–Thái Bình Dương.
Thông điệp quan trọng nhất của ông Carter là vấn đề “nguyên tắc” và “phi nguyên tắc”. Sự tồn tại những nguyên tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, Mỹ nhìn nhận phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài về Biển Đông sẽ là cơ hội để các quốc gia trong khu vực tái cam kết với một tương lai nguyên tắc hóa, với chính sách đối ngoại mới, và để giảm bớt xung đột, thay vì gia tăng.
Ngược lại, cũng có những hành động đang phá vỡ các nguyên tắc đó hoặc tìm cách tạo ra những biệt lập như các hành động mở rộng trên cả vùng biển, vùng trời và không gian mạng từ phía Trung Quốc. Từ những ví dụ cụ thể này, Ông Carter cảnh báo, Trung Quốc đang khiến các láng giềng khu vực xa lánh và kết cục sẽ là “Vạn lý trường thành tự cô lập” nếu tiếp tục theo đuổi việc mở rộng hoạt động quân sự trên Biển Đông.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã phản pháo lại ý kiến của ông Ashton Carter. Được đánh giá là tương đối mềm mỏng hơn năm 2015, khi vị Tướng này nhấn mạnh về việc Trung Quốc đang hợp tác tốt với Mỹ và cố gắng thúc đẩy các hợp tác song phương và đa phương khác. Tuy vậy phần “phản pháo” của phía Trung Quốc luôn đi kèm phía sau với mục tiêu rõ ràng nhắm vào bài phát biểu của Bộ Trưởng Carter.
Phản công ý kiến của ông Ashton Carter khi ông này phản ánh việc Trung Quốc đang cố xây “vạn lý trường thành tự cô lập mình” trên Biển Đông, ông Tôn Kiến Quốc tuyên bố: "Trung Quốc không bị cô lập và sẽ không bị cô lập trong tương lai”. Ông Tôn cũng đồng thời tái khẳng định cam kết của Trung Quốc về việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng cáo buộc Mỹ đang dùng chiêu trò tâm lý “chiến tranh lạnh”.
Tiếp đó, khi ông Carter nói về việc, tuy không phải là một quốc gia trong tranh chấp, nhưng Mỹ sẽ sánh vai cùng các đối tác khu vực để thượng tôn các nguyên tắc, như tự do trên Biển và trên không, cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình bằng các phương tiện pháp lý và tuân thủ luật quốc tế, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đáp trả rằng, “một quốc gia đang thể hiện một thái độ kỳ lạ, theo đuổi các nguyên tắc dựa trên các lợi ích của nó và bỏ qua các nguyên tắc không phù hợp với các lợi ích của nó. Nó dẫn dắt việc thúc đẩy thứ gọi là một kế hoạch tự do hàng hải, phô trương năng lực quốc phòng một cách công khai”.
Hai mặt vừa hợp tác, vừa đấu tranh của quan hệ Mỹ-Trung đã được thể hiện trong các bài phát biểu của hai vị đại diện này ở các mức độ khác nhau. Mỹ dùng cả “cây gậy”, lẫn “củ cà rốt” khi ông Carter kêu đề nghị tiếp tục cam kết làm việc với Trung Quốc để đảm bảo một tương lai nguyên tắc hóa, đồng thời thúc đẩy các hợp tác đã có giữa hai bên. Đứng trước các thách thức an ninh phi truyền thống, nhu cầu hợp tác giữa các nước, đặc biệt là quan hệ Trung–Mỹ trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đồng thời tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vị thế của nền quân sự mạnh nhất thế giới và là người đảm bảo chính cho an ninh khu vực trong các thập kỷ tới.
Còn về phía ông Tôn Kiến Quốc đã mở đầu bài nói bằng việc nhấn mạnh sự hợp tác như một nhu cầu sống còn và phát triển quan trọng, khi “Các nước châu Á–Thái Bình Dương đã hình thành một cộng đồng chung vận mệnh, độc lập và không thể tách rời. Trung Quốc ủng hộ một triển vọng an ninh mới, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển, sẻ chia và phổ quát.”
Mối lo từ những thỏa thuận ngầm
Sau một diễn đàn đa phương, Mỹ-Trung sẽ tiếp tục “chạm mặt nhau” trong một cơ chế khác mang tính song phương. Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc hàng năm đang diễn ra ở Bắc Kinh với lịch sử 8 năm kinh nghiệm giữa các nhà ngoại giao và chiến lược gia của hai nước. Đây luôn là một diễn đàn mà kết quả của nó dù diễn ra theo một hướng nào đi nữa cũng sẽ làm cho thế giới “thấp thỏm”. Kịch bản xung đột là bóng ma của những cuộc chiến tranh với hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Kịch bản thỏa hiệp là mối đe dọa với các nước muốn dựa vào Mỹ để “cân bằng” lại sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
TS. Michael Swaine từ Carnegie Endowment for International Peace (Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình Carnegie) bày tỏ lo lắng về một thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông, xoay quanh việc Mỹ bớt can thiệp vào tiến trình giảm thiểu các hành động gây hấn tại đây; còn Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng khu vực bên trong đường 9 đoạn là vùng Biển mở (tự do lưu thông – lợi ích quan trọng nhất mà Mỹ muốn đảm bảo). Đó như một hợp đồng ngầm hiểu giữa hai ông lớn, điều mà nếu xảy ra, các nước châu Á nhỏ yếu sẽ chịu hoàn toàn thiệt hại. Các nước nhỏ sẽ phải “chi trả chi phí” khi các nước lớn đạt được thỏa thuận như trường hợp điển hình của Đài Loan năm 1970 khi Trung–Mỹ thiết lập bình thường ngoại giao.
Lại thêm một tuần lễ mới biến động và khó lường của tình hình an ninh khu vực.
Tuấn Trần (từ Singapore)
Biển Đông: Lóa mắt vì quyền lực, TQ khiến các nước đối đầuBiền Đông: Cam chịu mãi sẽ thành chấp nhận
Khi nước lớn cạnh tranh quyền lực ở Biển Đông
Học giả Trung Quốc bị cô lập vì "không giống ai"
Biển Đông: Nơi lợi ích Mỹ - Trung chồng lấn