UNCLOS được biết đến như là “Hiến chương của/cho các đại dương.” Công ước này đặt ra một bộ khung pháp lý cho việc quy định hầu hết các hoạt động liên quan đến biển, đồng thời cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan đến đại dương.
Hơn nữa, UNCLOS cũng thúc đẩy các cơ chế ràng buộc đối với việc giải quyết các tranh chấp, xung đột trên biển.
Tiếp nối thành công của chuỗi ba hội thảo cùng chủ đề được tổ chức trong các năm 2019 và 2021 tại Hà Nội, Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Australia, New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội trong chiều 30/11 và ngày 1/12.
Hội thảo lần này diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo ra diễn đàn hấp dẫn, thu hút nhiều chuyên gia, học giả có uy tín và quan chức các nước thành viên ARF, nhằm trao đổi, thảo luận về cách thức hợp tác, giải quyết các thách thức trong quản lý biển tại khu vực, trên cơ sở vận dụng và thực thi UNCLOS 1982 cùng các văn kiện pháp lý quốc tế liên quan.
Khai mạc hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao và một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS 1982 - bản Hiến pháp của biển và đại dương, nhất là trong bối cảnh nổi lên ngày càng nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề trên biển, yêu cầu hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng Công ước sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng.
Mọi tranh chấp, các vấn đề liên quan đến biển và đại dương trong khu vực cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Hội thảo lần thứ 4 này là một bước tiến thể hiện cam kết của khu vực trong hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức liên quan đến biển và đại dương.
Chia sẻ quan điểm với Việt Nam, các đồng chủ tọa là Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ARF của New Zealand đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS; cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đăng cai tổ chức chuỗi Hội thảo này.
Bà Georgina Roberths, Trưởng SOM ARF của New Zealand nêu bật giá trị của biển và đại dương đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của khu vực; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Ông Thomas Wiersing, Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực.
Bên cạnh đó, EU ủng hộ việc nhanh chóng hoàn thành thương lượng Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) có giá trị thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.
Cùng khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN trong việc xây dựng khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, ông Mark Tattersall đề cao vai trò quan trọng của diễn đàn ARF trong đối thoại về an ninh và hợp tác tại khu vực Ấn Độ Đương-Thái Bình Dương.
Ông Mark Tattersall đánh giá cao hội thảo lần này, với phạm vi thảo luận bao trùm nhiều lĩnh vực từ vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, đến vấn đề các lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển, hay việc phân định biển trong bối cảnh nước biển dâng… và sự tham gia của các học giả, chuyên gia Luật Biển hàng đầu của khu vực và trên thế giới.
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận về hai chủ đề chính bao gồm quyền, nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS 1982 và các văn kiện pháp lý liên quan; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi Công ước.
Các phát biểu đều đề cao giá trị toàn diện của UNCLOS 1982 trong suốt 40 năm qua; nhấn mạnh đây là công cụ pháp lý quan trọng nhất để gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác xử lý các vấn đề truyền thống và mới nổi trên biển, đại dương trong khu vực.
Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng đến sử dụng bền vững, bảo tồn biển và đại dương, bao gồm việc thương lượng văn kiện pháp lý quốc tế về đa dạng sinh học biển trong vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia; quyền tài phán về tài nguyên sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế; thích nghi với biến đổi khí hậu và các cơ quan nghề cá khu vực.
Phạm Thiện, Thu Thủy, Anh Dũng