Sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 130 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó 64 sản phẩm được đưa lên sàn Voso.vn và 63 sản phẩm được đưa lên sàn Postmart.vn.

nong san yen bai.jpg
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được đưa lên các sàn TMĐT và trải nghiệm mua hàng trên sàn TMĐT.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tập huấn hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo, đăng bán sản phẩm trên sàn TMĐT; thực hiện việc nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn TMĐT nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số…

Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho hộ sản xuất nông nghiệp; cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón…; cung cấp thông tin các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn TMĐT.

Trong khi đó, anh Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô ở Phú Thọ cho biết nếu như trước đây, sản phẩm mỳ gạo được bày bán chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm nông sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin, giá cả, mẫu mã và chất lượng sản phẩm thông qua những “cú click” đơn giản trên Sàn giao dịch TMĐT.

Hiện nay, Sàn giao dịch TMĐT đã là một trong những kênh bán hàng hiệu quả của hợp tác xã. Đã có 30% sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua Sàn giao dịch TMĐT. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà HTX còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua.

nong san phu tho.jpg
Sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô (Phú Thọ) được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ kênh tiêu thụ từ sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Tuấn Oanh - Giám đốc Hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Sàn TMĐT là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp hợp tác xã mở rộng thị trường, doanh thu không ngừng tăng lên. Hơn 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của hợp tác xã thông qua Sàn giao dịch TMĐT, website của hợp tác xã và các kênh bán hàng online.

Các cấp, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các nền tảng TMĐT, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng TMĐT. 

Tại Ninh Bình, trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Ninh Bình đang đẩy mạnh liên kết, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP nhằm đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng; đưa sản phẩm OCOP ra "sân chơi" lớn.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP tiêu biểu do người dân Ninh Bình sản xuất bao gồm: cơm cháy, ngô nếp tươi sấy (Công ty Cổ phần Sinh hóa Ninh Bình), Trà hoa Cúc (Hợp tác xã Riti) đã tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước như Sendo, Tiki, Lazada...

Tại Quảng Ngãi, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, mật ong Na Ni đã xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm tham gia vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

nong san quang ngai.jpg
Mật ong Na Ni xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phúc Hảo-Đài PT&TH Quảng Ngãi.

Đặc biệt, sản phẩm đã có mặt tại các sàn thương mại điện tử, bán hàng online. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ 1.000 lít mật ong, trong đó, có 30% tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp này tiếp tục nâng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử lên 50% trong năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Na Ni, khẳng định trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, các doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm của mình thì phải đưa thông tin sản phẩm của mình lên đa kênh, bán hàng trực tiếp trên sàn thương mại điện tử.

"Nhờ sàn thương mại điện tử, tôi đã đưa được thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng và bán rất tốt", ông Nguyễn Hữu Thiện nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 30/6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. 

Có thể nói, việc triển khai những hoạt động bán hàng tiếp thị sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ đặc sản của các vùng miền.