Chia sẻ vơi báo chí, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, trong năm nay khu vực và thế giới phải đối mặt với những thách thức gay gắt, nhiều rủi ro hơn xuất phát từ các yếu tố như cạnh tranh chiến lược nước lớn, suy giảm kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Về truyền thông, “chiến tranh thông tin” sẽ ngày càng quyết liệt, cạnh tranh giữa các nước trong truyền thông, thông tin đối ngoại đang trở nên khốc liệt chưa từng thấy.

Thêm vào đó, chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông mới, truyền thông mạng xã hội, khi mà mỗi người đều là “nhà báo mạng xã hội”, có thể là một nguồn phát tin hay là một kênh truyền tin; mỗi người dân đều có thể tiếp cận với nhiều thông tin trên khắp thế giới. Môi trường truyền thông cũng hết sức phức tạp, thông tin thật giả lẫn lộn.

Bối cảnh đó đặt ra những thách thức gay gắt và yêu cầu ngày càng cao đối với công tác thông tin đối ngoại. Thông tin đối ngoại cần phải không ngừng đổi mới, đón đầu xu thế, ứng dụng công nghệ mới, để thông tin chính thống vẫn phải là dòng chủ lưu, lan tỏa rộng hơn, nhanh chóng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân trong và ngoài nước, không để mất mặt trận dư luận.

hopbao-1.jpg
Ảnh minh hoạ

Công tác thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới, trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi số, tìm kiếm các biện pháp, phương thức mới để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại sẽ góp phần tăng cường liều lượng, mở rộng đối tượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa thông điệp của Việt Nam lan tỏa tới ngày càng nhiều đối tượng hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.

Hẳn nhiều người còn nhớ, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin đối ngoại như đề xuất sáng kiến triển khai Trung tâm Báo chí trực tuyến cho phóng viên nước ngoài đưa tin Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thời gian đó,  phóng viên nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam. 

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng kể: "ngay từ những ngày đầu chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, các Tiểu ban và Trung tâm Báo chí đã tính toán đến tất cả các phương án, kể cả những phương án xấu nhất. Đối với báo chí nước ngoài, chúng tôi có các kịch bản khác nhau.

Theo đó, ban đầu, kịch bản thuận lợi nhất là chúng ta có thể mời, thậm chí cho phép báo chí nước ngoài vào Việt Nam đưa tin. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề xuất một kịch bản khác trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, chính sách đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước vẫn chưa được tháo gỡ, để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp.

Gần đến ngày Đại hội XIII diễn ra, thế giới xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi, các nước đều siết chặt việc đi lại. Do đó, chúng ta đã quyết định tạo điều kiện cho các phóng viên nước ngoài không vào được Việt Nam tác nghiệp theo hình thức trực tuyến".

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thiết lập một Trung tâm Báo chí “ảo” để các phóng viên đăng ký, từ đó cung cấp thông tin trực tiếp và khá đầy đủ về Đại hội XIII. Việt Nam đã cấp tài khoản cho gần 100 phóng viên nước ngoài ở 30 quốc gia trên thế giới tham gia tác nghiệp trực tuyến Đại hội.

"Phản hồi của phóng viên sau họp báo đầu tiên và Phiên khai mạc Đại hội rất tốt. Họ đánh giá đây là sáng kiến cũng như kịch bản thuận lợi nhất để dù không vào được Việt Nam, nhưng họ vẫn tiếp cận được các thông tin diễn ra tại Đại hội", Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho hay.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV