Theo Thạc sĩ Lê Ngọc Cương, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260 km và có hệ thống sông dày đặc có tới hơn 3.450 sông chiều dài từ 10km trở lên. Những năm gần đây, tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra phổ biến và ngày càng có diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến dân sinh, kinh tế, xã hội nước ta.
Trước thực trạng xói lở bờ sông, bờ biển từ năm 2008 đến nay, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp mềm bảo vệ bờ biển như: Nghiên cứu giải pháp trồng cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê ven biển Thanh Hóa và Ninh Bình (2008-2010); Nghiên cứu nguyên nhân làm suy giảm rừng ngập mặn và các giải pháp công nghệ trồng cây ngập mặn tại vùng bãi xói lở ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (2011-2015); Nghiên cứu giải pháp gây bồi, tạo bãi để trồng đai cây ngập mặn chắn sóng bảo vệ bờ biển, đê biển tại các bãi triều ngập sâu các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau (2016-2019); Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (2017-2020).
“Kết quả nghiên cứu và ứng dụng giải pháp mềm bảo vệ bờ biển đã áp dụng hiệu quả, thành công cho một số khu vực, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác củng cố, nâng cấp, bảo vệ tuyến đê biển”, Thạc sĩ Lê Ngọc Cương nhận định.
Được biết, các giải pháp mềm bảo vệ bờ biển được nghiên cứu trên phạm vi khu vực bờ biển có cây chắn sóng trên cả nước với mức độ xói lở bình thường đến nguy hiểm.
Giải pháp mềm chống xói lở bờ biển có thể được hiểu là tận dụng, mô phỏng, gia tăng chức năng bảo vệ bờ biển của các hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm gia tăng hiệu quả bảo vệ bờ của các tuyến đê biển.
Điển hình như tường mềm giảm sóng, dòng chảy bảo vệ bờ biển, hỗ trợ phát triển rừng ngập mặn. Tường mềm giảm sóng bao gồm các hàng cọc tre được mô phỏng theo khả năng bảo vệ bờ của cây ngập mặn với cọc được đóng sâu xuống đất như rễ cây, ở trên có bó cành cây như hệ lá.
Có 3 loại tường mềm. Loại 1 là kết cấu 2 hàng cọc tre đường kính trung bình thân cọc là D≥7cm, cách nhau 40cm, có lấp nhét các bó cành cây ở giữa. Loại 2 là kết cấu 3 hàng cọc tre đường kính trung bình thân cọc D≥7cm, cách nhau 40cm, có lấp nhét các bó cành cây ở giữa. Loại 3 là tường mềm cấu trúc nhiều hàng cọc đơn có tác dụng giảm sóng, gây bồi gây tái sinh cây ngập mặn trong vùng bảo vệ
Một giải pháp đáng chú ý khác là trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển. Nhóm nghiên cứu đã xác định điều kiện bãi triều khu vực thiết kế đai cây ngập mặn giảm sóng, lựa chọn loài cây ngập mặn giảm sóng, chỉ tiêu cây giống ngập mặn đem trồng…
Hoạt động trồng cây chắn sóng bảo vệ bờ biển đã cho thấy hiệu quả rõ rệt tại mũi Cà Mau, xã Vân Khánh Đông (An Minh, Kiên Giang), đê biển 5 (Thái Bình), đê Hà Nam, Quảng Ninh…
Đặc biệt, Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình đã xây dựng và công bố "TCVN 10405-2020 - Đai cây ngập mặn giảm sóng - Khảo sát và thiết kế" nhằm xác định các yêu cầu về kỹ thuật thiết kế, trồng cây ngập mặn.
“Các giải pháp mềm bảo vệ bờ biển bao gồm giải pháp tường mềm, trồng cây giảm sóng đã được Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình nghiên cứu, thực nghiệm và triển khai thành công cũng như được xây dựng thành tiêu chuẩn Việt Nam. Rất mong các giải pháp mềm sẽ được mở rộng ứng dụng cho các khu vực tương tự, chẳng hạn nghiên cứu cho khu vực Bắc Bộ, cũng như xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia để nâng cao hiệu quả, phạm vi áp dụng của giải pháp”, Thạc sĩ Lê Ngọc Cương kiến nghị.