5 phụ nữ người Trung Quốc ngồi thẳng trên ghế, những chiếc túi xách hàng hiệu đặt dưới chân, chăm chú lắng nghe một nhiếp ảnh gia của tạp chí thời trang Trung Quốc Tatler nói về cách tạo dáng trước ống kính. Anh ta nói về cách trang điểm, về ánh sáng, về xương gò má.
Căn phòng được trang trí bằng giấy dán tường hiệu Pierre Frey và những người tham gia thì đang nhấp từng ngụm trà bằng bộ ấm chén Bernardaud. Tay hí hoáy ghi chép, họ đang học những điều nên làm và không nên làm trước ống kính.
Các thí sinh tham dự Hoa hậu Trung Quốc 2014 đang học các nghi lễ xã giao từ một giáo viên của trường Seatton |
Khóa học có tên “Cách tạo dáng thanh lịch trước ống kính” là một trong nhiều khóa học của Viện Sarita – một phiên bản hiện đại của những trường dạy nghi lễ xã giao (finishing schools) của châu Âu, chuyên phục vụ tầng lớp thượng lưu mới phất của Trung Quốc.
Những khóa học khác của Viện Sarita gồm có cách nuôi dạy con cái, cách ăn uống lịch sự và cách phát âm chuẩn những thương hiệu nổi tiếng.
“Hầu hết khách hàng của tôi đều từng có những lần xấu hổ ở nước ngoài hay trong một bữa tối bàn chuyện làm ăn với đối tác. Họ tới đây vì muốn mọi thứ dễ dàng hơn với mình” – Sara-Jane Ho – người sáng lập Sarita chia sẻ khi đang ngồi trong phòng khách được trang trí bằng nội thất cổ nhập khẩu từ Pháp.
“Chủ yếu là học về cách ứng xử trong môi trường quốc tế” – bà Ho, người từng học về nghi lễ ở Viện Villa Pierrefeu (Thụy Sĩ), một trong những ngôi trường nghi lễ cuối cùng trên thế giới, cho biết.
Cho đến nay, bà đã thu hút được hàng trăm người Trung Quốc giàu có đăng ký theo học. Tháng 5 tới, bà sẽ mở thêm một chi nhánh ở Thượng Hải.
Với 190 tỷ phú và hơn 2 triệu triệu phú, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về số người có giá trị tài sản ròng lớn nhất thế giới – theo nghiên cứu từ Forbes và Tập đoàn tư vấn Boston.
Nhiều người trong số này giàu lên quá nhanh trong nền kinh tế ngày càng mở cửa của Trung Quốc và những cơ hội kinh doanh ngày một nhiều. Vì thế, một số người thiếu kiến thức và không biết cách ứng xử trong môi trường kinh doanh quốc tế hoặc trong các sự kiện xã hội.
Người tham gia đang học các nghi lễ của một tiệc trà buổi chiều kiểu Anh |
“Cách đây 30 năm, đất nước này rất cô lập. Một bộ phận người giàu nổi lên quá nhanh” – bà Ho nói.
Kết quả là, một số doanh nhân có thể trông rất thô kệch và thiếu ý nhị khi tiếp các đối tác phương Tây hoặc trong khu vực châu Á.
Trong khi đó, sự thanh lịch đôi khi lại chính là thứ giúp cho các giao dịch và mối quan hệ được trôi chảy và tốt đẹp. “Biết cách dùng dao và nĩa thành thạo có thể là một điểm cộng” – ông James Hebbert, người đại diện của trường nghi lễ kiểu Anh Seatton ở Trung Quốc nhận định.
Những khách hàng theo học các khóa này ở Trung Quốc có cả các quan chức Chính phủ, những đứa trẻ học ở nước ngoài, những bà vợ muốn cư xử đẹp trước khách hàng quan trọng của chồng và cả những người thích đi du lịch nước ngoài.
Nếu như học cách bóc một quả cam bằng dao và dĩa có vẻ là hơi thừa ở châu Âu thì ở Trung Quốc những người giàu mới nổi sẵn sàng trả tiền để học điều này để xứng tầm với địa vị mới của họ.
“Lần sau khi tới Milan và ăn tối ở một nhà hàng sang trọng, tôi hoàn toàn có thể tự tin nói với chồng rằng anh ấy không nên cầm dao giống như sắp đánh nhau” – một người tham gia khóa học ứng xử trong bữa tối kiểu phương Tây với James Hebbert chia sẻ.
Mỗi khóa học buổi chiều này Hebbert thu phí 20.000 tệ (3.243 USD) cho mỗi nhóm 10 người.
Khóa học nổi tiếng nhất của Viện Sarita có tên là “Hostessing” (chủ tiệc), có mức giá 100.000 tệ (16.216 USD), kéo dài trong 12 ngày. Khóa học này dạy các kỹ năng từ cách giao tiếp tới cách kết hợp các loại rượu với nhau.
Truyền thông, thậm chí là cả Chủ tịch nước cũng phải lên tiếng về cách ứng xử của người Trung Quốc khi ra nước ngoài.
Trong một chuyến đi tới Maldives hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề nghị người dân nước này nên “văn minh hơn một chút khi đi ra nước ngoài”.
Với hơn 100 triệu người ra nước ngoài vào năm 2014, những hành xử kém văn minh của người Trung Quốc đã trở thành đề tài của báo giới trên khắp thế giới.
Một số hành xử bị chê bai nhiều nhất là: vẽ bậy lên tác phẩm điêu khắc của Ai Cập, hắt nước sôi vào mặt tiếp viên hàng không, tiểu tiện bậy bạ.
Chuyên gia của Seatton đang hướng dẫn các thí sinh Hoa hậu Trung Quốc |
Hồi tháng 10 năm ngoái, Ban quản lý di lịch quốc gia Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn nghiêm ngặt về cách ứng xử khi đi du lịch.
Những hướng dẫn trong cuốn sổ nhỏ dày 64 trang yêu cầu khách du lịch Trung Quốc không tiểu tiện trong hồ bơi, không ăn cắp áo phao trên máy bay và không để lại dấu chân trên bệ ngồi vệ sinh. Nếu vi phạm, khách du lịch có thể bị phạt tiền hoặc bị đưa vào danh sách khách du lịch thô lỗ.
“Người Trung Quốc không biết cách cư xử. Nó không chỉ là vấn đề được dạy dỗ bởi cha mẹ. Tôi luôn ngạc nhiên khi nhiều người đàn ông giữ cửa cho tôi ở Paris. Điều này không xảy ra ở Trung Quốc” – Yue-Sai Kan, tác giả cuốn “Nghi thức xã giao cho người Trung Quốc hiện đại” nhận xét.
Đây là cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất Trung Quốc với hơn 3 triệu bản in. Hiện tại, Kan đang dạy cách ứng xử và huấn luyện cho các thí sinh nước này thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Những hành động bị coi là bất lịch sự như chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng, nói to, ngoáy mũi nơi công cộng… là hành vi phổ biến của nhiều người Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc mở cửa và hòa nhập với thế giới thì nhận thức của người dân nước này ngày một nâng cao.
Để bỏ tiếng xấu này, nhiều người thuộc giới thượng lưu mới đang tìm kiếm sự tinh tế ở các trường nghi lễ xã giao. Đồng thời, họ cũng đang tìm đến những cách hành vi tốt như một hình thức cho thân phận mới của mình.
“Người Trung Quốc hiểu rằng với vị thế là quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, họ cần học thêm về các nền văn hóa khác và những cách hành xử văn minh để các mối quan hệ chính trị và làm ăn được tốt đẹp hơn” – bà Viviane Neri, hiệu trưởng Viện Villa Pierrefeu viết trong một email.
“Trước đây, chỉ là chuyện sở hữu một chiếc xe lớn. Còn bây giờ, người giàu tìm kiếm thứ làm nên sự khác biệt” – ông Hebbert nói.
- Nguyễn Thảo (Theo BBC)