Ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Theo đó, người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.

Hướng dẫn mới này chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ hàng loạt các khó khăn liên quan đến các khu cách ly tập trung quá tải ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi đón làn sóng di cư hàng trăm ngàn người từ TP.HCM.

Những ngày đầu tháng 10, hàng nghìn người lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đổ về miền Tây khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách. Theo thống kê của Bộ Công an, có 3,5 triệu người từ các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Những con số đó cho thấy, các khu cách ly tập trung không những ở 4 tỉnh, mà còn ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL sẽ quá tải ngay lập tức, như thực tế đã diễn ra.

{keywords}
Người dân về tỉnh Kiên Giang được lấy mẫu trước khi vào khu cách ly tập trung. Ảnh: Anh Vũ

Có lẽ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiên lượng hoàn cảnh này. Trong cuộc họp Chính phủ vừa qua, ông nói: Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc. Bên cạnh đó, Thủ tướng căn dặn các tỉnh thực hiện đồng bộ giải pháp như đảm bảo an sinh xã hội, củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở, tăng cường y tế lưu động, để người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…

Theo tinh thần chung sống thích nghi và an toàn với Covid của Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, người dân cần được trao quyền chống dịch để chủ động chữa trị bệnh tại nhà.

Hơn ai hết, sau gần 2 năm đại dịch, người dân biết cách bảo vệ, chăm sóc một cách tốt nhất sức khỏe của mình và người thân trong gia đình. Chỉ khi ở nhà, họ mới có đủ cơm ăn, thuốc uống, có tinh thần thoải mái để vượt qua dịch bệnh, điều không thể có đầy đủ bằng trong các khu cách ly tập trung. Tất nhiên, cho phép người dân tự cách ly ở nhà không có nghĩa là nhà nước không làm gì để giúp dân. Nhà nước vẫn tổ chức các trung tâm cách ly để hỗ trợ những người không có điều kiện cách ly ở nhà.

Theo Bộ Y tế, hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần; nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào. Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Trong số đó khoảng 5% cần điều trị. Theo WHO, tỷ lệ tử vong trung bình của thế giới là 2,1%.

Trích dẫn các số liệu chính thức trên như vậy, để thấy, cần tập trung vào khâu điều trị để chăm sóc số ít người nhiễm nặng để giảm tử vong, thay vì đưa tất cả vào nơi thu dung để “điều trị” 80% “khỏe như trâu”, như có người mang virus từng than phiền với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trước áp lực người sống ở các tỉnh Đông Nam Bộ về quê rất đông, các khu cách ly tập trung - vốn là các trường học với trang thiết bị thô sơ, hậu cần thiếu thốn - đã quá tải, đã có ý kiến trong lãnh đạo tỉnh kêu gọi ngăn cản dòng người, nhưng tiếng nói đó khá là đơn điệu. Lãnh đạo các tỉnh khác đều thương cảm cho những đồng bào  trong cảnh khốn cùng sau 4 tháng trời đối mặt với cái đói, cái lo về dịch bệnh.

Đông Tây y kết hợp

Có lẽ, cần phổ biến ngay kinh nghiệm chữa trị ở Củ Chi, nơi tỷ lệ tử vong không đáng kể, đã được TP.HCM và Chính phủ ca ngợi.

{keywords}
Cần Giờ và Củ Chi đã mở những tour du lịch đón khách đầu tiên. Ảnh: VietNamNet

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện kể: Cách làm của Củ Chi là chăm lo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, trái cây, huy động giáo viên tham gia nấu nước chanh, xả, gừng cho các F0 uống hàng ngày. Các khu cách ly có không gian rộng để F0 vận động, tập thể dục, đi lại thay vì chỉ ở trong phòng. Đồng thời trang bị hệ thống loa phát thanh vừa phục vụ giải trí bằng âm nhạc vừa có thêm kênh tuyên truyền, hướng dẫn F0.

Nhờ vậy, tỷ lệ F0 không triệu chứng phải chuyển lên các tuyến điều trị dưới 3,5%, với 114 ca trên 3.029 trường hợp ở khu thu dung.

Kinh nghiệm đó nói lên một điều cơ bản: ốm thì phải có cơm ăn, thuốc uống, tinh thần phải lạc quan mới vượt qua bệnh tật. Lãnh đạo Củ Chi đã dùng thuốc Đông Tây y kết hợp cứu biết bao người.

Cùng với tổ y tế cộng đồng, túi thuốc cấp phường xã, như chiến lược chữa bệnh mới của Chính phủ, kinh nghiệm của Củ Chi là một trong nhiều cách sẽ giúp vượt qua rủi ro bùng phát vì 12 tỉnh ĐBSCL, sau đợt phong tỏa dài vừa rồi, sẽ cực khó phong tỏa lại theo chỉ thị 16.

Bên cạnh đó là chiến lược phủ vắc xin. Tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ tiêm mũi 1 ở 12 tỉnh thành ĐBSCL (trừ Long An) đạt 15-35% trên tổng dân số từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 2 chỉ mới 4-8%. Đây là mức phủ quá thấp so với mức cần có để đáp ứng miễn dịch an toàn của cá thể đến nhóm cộng đồng. Chưa tính, độ phủ vắc xin ở người có bệnh nền, người cao tuổi một khi còn thấp thì rủi ro càng lớn.

Vì thế, Bộ Y tế cần cung cấp vắc xin ngay cho 12 tỉnh ĐBSCL - những tỉnh rủi ro phơi nhiễm nhất hiện nay.

Theo nhà dịch tễ Nguyễn Thu Anh, TP.HCM cần thêm 1 triệu liều vắc xin để tiêm mũi 2 cho 80% cho người từ 50 tuổi trở lên; các tỉnh thành xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh cũng cần được bổ sung vắc xin. Tổng cộng cả khu vực đang đóng góp đến 45% GDP của cả nước sẽ cần 4,3 triệu liều. Vắc xin phải được tiêm ưu tiên cho những người già và những người có bệnh nền mới tránh được quá tải y tế. 

Vắc xin, theo Bộ Y tế, sẽ về nhiều trong quý IV, nhưng đó là lời hứa trấn an. Vì thế, cần các giải pháp tổng thể, từ trao quyền chữa bệnh cho người dân, đến cách chữa bệnh Đông Tây y kết hợp, như Chính phủ đã chỉ đạo, thì ĐBSCL sẽ vượt qua nguy cơ dịch bệnh bùng phát, như cách các tỉnh đã vượt qua trong các làn sóng di dân với đầy rủi ro virus từ TP.HCM cách đây 1-2 tháng hay từ nước ngoài hồi Tết.

Trong hoạn nạn mới cần những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước người dân đã lâm cảnh khốn cùng, phải rời bỏ miền đất hứa để về quê. 

Tư Giang

Dòng người bỏ phố về quê và nhu cầu quản trị các vấn đề xã hội

Dòng người bỏ phố về quê và nhu cầu quản trị các vấn đề xã hội

Những gì diễn ra với hàng vạn người về quê gợi ra rằng, để trường kỳ ứng phó với đại dịch, chúng ta cần nhanh chóng chuyển từ tư duy “quản lý” đến tư duy “quản trị” các vấn đề xã hội.