Phát biểu tại Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên” do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức đầu tháng 6 năm 2023, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường & Phát triển cộng đồng cho biết Luật bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2022) có một số điểm mới, một trong những điểm mới đó là vai trò của cộng đồng dân cư. Tại điều 3, khoản 28 thì cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng một địa bàn thôn, ấp, bản làng, buôn, bon, phun, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều này vô cùng có ý nghĩa vì trước đây đối tượng này (những người trực tiếp chịu tác động) không có tiếng nói thì nay đã được luật hóa. Trong luật cũng ghi rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên.
Tại điều 4, khoản 4 đã ghi “...tăng cường, tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải”. Khoản 6, điều 5 cũng ghi rõ: “... cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ môi trường, có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động môi trường gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường...”. Trong điều 5, khoản 1... Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân (điều này vô cùng quan trọng) tham gia thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động bảo vệ hoạt động môi trường.
PGS.TS. Bùi Thị An cũng viện dẫn: Điều 33: tham vấn trong đánh giá tác động môi trường có đối tượng là công đồng dân cư. Phương thức công khai phương tiện cổng thông tin điện tử, cũng tạo điều kiện để công đồng biết để kiểm tra. Tại điều 72 khoản 1 (từ điểm a đến điểm d) đều quy rõ trách nhiệm của cộng đồng. Trong điều 75 (khoản 1) quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tất cả những nội dung trên chỉ thể hiện vai trò của cộng đồng trong bảo về môi trường nói chung, trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên đã có hành lang pháp lý chặt chẽ, vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện như thế nào.
“Phải khẳng định đây là vấn đề rất cấp bách và việc thu gom chất thải rắn dễ nhìn thấy kết quả”, PGS.TS. Bùi Thị An khẳng định. Cụ thể: Cách đặt vấn đề từ xử lý chất thải rắn đến kết quả trở thành tài nguyên là rất cơ bản (từ a đến z), rất triết học để huy động, tập hợp mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ môi trường nói chung và xử lý, chế biến rác thải rắn sinh hoạt nói riêng thành những sản phẩm có ích.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để cộng đồng thực hiện được vai trò của mình như là luật định? Và chỉ giới hạn trong xử lý, chế biến rác thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên với các giải pháp.
Theo PGS.TS. Bùi Thị An, về quyền lợi cần tuyên truyền, phổ biến những nội dung trong luật liên quan đến trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư để mọi người hiểu kỹ; tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài về nội dung này, nhất là những nước có điều kiện kinh tế và địa lý gần nước ta; tổ chức rút kinh nghiệm của những địa phương đã thực hiện nội dung này tốt; khảo sát kỹ tình hình của vai trò của cộng đồng từng địa phương dự định triển khai. Bên cạnh đó là có cơ chế cụ thể để cộng đồng thực hiện kiểm tra giám sát; tạo điều kiện về vật chất để cộng đồng thực hiện nghĩa vụ (thùng phân loại, thu gom, tập kết...).
Song song với các hoạt động trên là vận động dân phân loại bởi nếu không phân loại được thì không thực hiện được các công đoạn xử lý tiếp theo. Có chế tài về tài chính trong xử phạt nghiêm minh, công khai và công bằng. Nên quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở phải có nghĩa vụ tạo điều kiện để cộng đồng dân cư thực hiện nhiệm vụ của mình trong luật bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, “phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và quan trọng của chính quyền các cấp của đất nước của địa phương và của từng gia đình góp phần nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng sống của mọi người dân và sự phát triển bền vững của đất nước”, PGS.TS. Bùi Thị An cho biết.