Tầm quan trọng

Năm học 2023-2024, nước ta có khoảng hơn 22 triệu học sinh. Đây là năm thứ 4 ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ở bậc phổ thông và đại học. Chương trình, sách giáo khoa mới đã thực hiện từ lớp 1 đến lớp 4 ở bậc tiểu học, từ lớp 6 đến lớp 8 ở bậc trung học cơ sở, lớp 10 và lớp 11 ở bậc trung học phổ thông. Đây cũng là năm chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở lớp cuối cùng của cả ba cấp học, với nhiều yêu cầu đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh đại học.

Mặc dù nhiệm vụ dạy học rất nặng nề, nhưng nhiều chuyên gia đều nhận định để xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, ngoài việc cung cấp tri thức, ngành giáo dục cần tiếp tục quan tâm đến việc tuyên truyền xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học.

Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, văn hóa học đường chính là cách xử sự, giao tiếp giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy, cô giáo, giữa thầy, cô giáo với nhau, giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng xã hội.

Đặc biệt, nhà trường là nơi đào tạo, bồi dưỡng con người, hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội. Do đó, việc xây dựng văn hóa học đường là yếu tố đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách, phát triển của ngành.

Việc mỗi cá nhân ý thức được việc ứng xử có văn hóa sẽ góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, tạo sự đoàn kết trong tập thể, giúp cho các thành viên có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh. Đây là cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục cho nhà trường.

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng đặt mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

học sinh.jpg
Văn hoá ứng xử trong trường học là yếu tố quan trọng giúp xây dựng môi trường giáo dục toàn diện. 

Những cách làm hay

Để thực hiện được nhiệm vụ này, từng cơ sở giáo dục lại sáng tạo các biện pháp khác nhau. Ví dụ, trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã hoàn thiện, ban hành và triển khai có hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa và trên mạng xã hội. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đi đầu trong việc thực hiện quy tắc ứng xử nhằm làm gương cho học sinh noi theo. 

Nhà trường còn đổi mới nội dung, phương pháp và đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Nâng cao năng lực ứng xử và giáo dục văn hóa ứng xử qua một số hoạt động như phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ tổ chức các buổi tuyên truyền, tọa đàm về ý nghĩa các ngày lễ lớn trong năm; phối hợp với Ban chấp hành Đoàn Thanh niên, ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với học sinh…

Ngoài giáo dục cách ứng xử có văn hóa với môi trường, trong học tập, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, môi trường mạng xã hội, Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) còn chú trọng giáo dục văn hóa học đường gắn liền với văn hóa cố đô, bản chất, lối sống, cốt cách con người Huế, gắn với nếp sống gia đình người Huế. 

Cụ thể, lễ phép trong chào hỏi, giao tiếp; thân thiện trong lời nói; tình yêu thương, đùm bọc, tinh thần vị tha, lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô được đề cao. Văn hóa “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) được khuyến khích trong giao tiếp của học sinh. Văn hóa trang phục cũng được chú trọng, như mặc lịch sự, nhã nhặn, đậm nét bản sắc văn hóa Huế…

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các tiết ngoại khóa, các buổi nói chuyện với chuyên gia tâm lý giáo dục để khắc phục tình trạng giáo điều, lý thuyết suông. Thực hiện dạy đạo đức với hình thức phù hợp và học sinh được thực hành hàng ngày, hàng giờ khi ở trường, nhà, tiếp xúc với cộng đồng. Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm phối hợp các đoàn thể tổ chức tọa đàm, hội thảo, có tổng kết, đánh giá văn hóa ứng xử của học sinh. Vấn đề này còn được đưa vào báo cáo đánh giá hàng tháng, từ đó có biện pháp điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc về chuẩn mực ứng xử. 

Lê Hạnh và nhóm PV, BTV