Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với Việt Nam. Theo giới quan sát chính trị, năm 2020, với vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội rộng mở để tận dụng phát huy hơn nữa vị thế quốc gia trên trường quốc tế, nắm lấy những cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng cùng những nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tạo điều kiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người.

Xem ra những nhận định này là có cơ sở bởi với cả 2 trọng trách trong năm 2020, Việt Nam đều lấy con người làm trung tâm để xây dựng các kế hoạch hành động.

Việt Nam xác định chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững” khi đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với chủ đề đó, tại cả hai diễn đàn Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên và bạn bè, đối tác đề cao lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế là hòa bình, hợp tác và phát triển; Thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn; Chủ động và tích cực đóng góp vào việc giải quyết các thách thức chung của toàn cầu và khu vực, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các nước và của khu vực như hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết hậu xung đột...

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng”

{keywords}
Họp báo về năm Chủ tịch ASEAn 2020 của Việt Nam.

Lựa chọn chủ đề này đã thể hiện cam kết nhất quán của Việt Nam trong thực hiện vai trò củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội khối, gắn bó với người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Trên cơ sở đó, Việt Nam thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...

Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Và, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ: “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”

Tham gia gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc là cơ hội để chứng tỏ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; có trách nhiệm trong công cuộc gìn giữ Hòa bình của nhân loại.

{keywords}
Nhóm 2 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đã có mặt ở Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ ngày 1/1/2020. Một trong các ưu tiên của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix đánh giá: Việt Nam là một nước rất tích cực ủng hộ Liên hợp quốc, nhất là trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Điều này thể hiện rõ nhất ở 2 điểm: Việt Nam tham gia tích cực và liên tục các sáng kiến liên quan tới gìn giữ hòa bình, luôn nỗ lực để hoạt động này ngày càng có tầm ảnh hưởng tốt hơn.  Và việc Việt Nam đã cử lực lượng tham gia trực tiếp hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa, nhất là ở các điểm nóng như Nam Sudan.

Hôm 19/11, nhóm 2 của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã lên đường làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan. Liên tục từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử được gần 30 sỹ quan đi các nước châu Phi như Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế, vừa nghiên cứu tình hình, vừa làm công tác chuẩn bị. 

Đến nay, Việt Nam mới tham gia vào lĩnh vực quân y. Kế hoạch là, chậm nhất tới năm 2020 sẽ đưa lực lượng công binh tham gia. Công việc của công binh khác hoàn toàn quân y, quân số có thể lên tới 300 người. Trong một cuộc trả lời báo chí, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, "hiện nay, Liên hợp quốc có đề nghị Việt Nam cử thêm nhiều đoàn tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình, song tôi nêu rõ quan điểm Việt Nam chỉ đưa thêm một số lực lượng khác như: lực lượng bảo vệ, lực lượng thông tin".

"Chủ trương của Việt Nam là chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan, các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết, không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế và hoạt động tác chiến", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Minh Vân