Vân Đồn là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt thủy, hải sản tương đối lớn. Hiện nay, toàn huyện đảo có 1.269 tàu cá, trong đó có 104 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài từ 12m trở lên).
Thời gian qua, đội tàu khai thác xa bờ của huyện được đầu tư nâng công suất máy, trang thiết bị từng bước hiện đại, đồng bộ hơn để có thể vươn khơi, bám biển, khai thác ở ngư trường xa hơn và triển khai sản xuất có hiệu quả kinh tế.
Để từng bước hiện đại hóa ngành khai thác thủy sản xa bờ, năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện ứng dụng công nghệ đèn Led trong khai thác hải sản xa bờ.
Theo đó, Sở đã phối hợp với Công ty CP Công nghệ và chiếu sáng Viễn Đông (TP Hà Nội) tiến hành 2 đợt thử nghiệm. Việc thử nghiệm đợt 1 từ tháng 9 đến tháng 12/2018 và đợt 2 từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019, được thực hiện tại ngư trường Long Châu, Bạch Long Vĩ, Cô Tô với độ sâu từ 28-40m.
Sau khi triển khai cho thấy, công nghệ này đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như: Tiết kiệm được chi phí đi biển cho ngư dân, tuổi thọ của bóng đèn cao, nhất là bảo đảm an toàn cho môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao 25-35% so với sử dụng các phương pháp hiện tại.
Tại hội nghị tập huấn chuyển giao quy trình công nghệ trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản cho ngư dân được tổ chức tại Vân Đồn mới đây, ông Nguyễn Phi Toàn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Viện đã nghiên cứu thành công một số công nghệ mới, trong đó có công nghệ về sử dụng đèn Led trong khai thác hải sản cho nghề lưới chụp, lưới vây.
Để triển khai việc chuyển giao công nghệ mới cho các ngư dân thì việc tổ chức tập huấn sẽ phổ biến những kiến thức về công nghệ đó nhằm giúp ngư dân có thể nắm bắt và nghiên cứu ứng dụng cho đội tàu của mình để nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất trên biển.
Nhiều ngư dân tham dự buổi tập huấn cho biết họ đã được tiếp cận với các công nghệ mới hiện đại trong khai thác thuỷ sản như hệ thống tời thuỷ lực cho nghề lưới chụp; hệ thống tời thuỷ lực thu lưới rê tầng đáy; hệ thống ánh sáng đèn Led cho nghề lưới chụp.
Đối với hệ thống tời thuỷ lực, sau khi được chuyển giao đã giúp ngư dân giảm chi phí, giảm số lượng lao động sau mỗi chuyến ra khơi từ đó giúp tăng năng suất lao động từ 15-25%, tăng sản lượng khai thác từ 2-3 lần, đặc biệt là giảm thời gian thu lưới nhưng lại tăng chất lượng hải sản đánh bắt; giảm bớt số lượng lao động trên biển giúp lợi nhuận tăng thêm từ 15-16% và tăng thu nhập của người lao động lên khoảng 1,5 lần cho mỗi chuyến đi, ngư dân yên tâm bám biển, nhất là khắc phục được tình trạng thiếu lao động đi biển.
Còn với công nghệ ánh sáng đèn LED, khi sử dụng đã giúp các tàu khai thác hải sản tiết kiệm được khoảng khoảng 40% nhiên liệu chạy máy phát điện, năng suất khai thác cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần, doanh thu cao hơn khoảng 20%.
Ngoài ra, đèn LED chiếu sáng có định hướng, không tỏa nhiệt lượng cao trong quá trình hoạt động nên sẽ giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường. Do không phát xạ tia tử ngoại (UV) nên công nghệ này không gây hại cho mắt, không làm bỏng da và đảm bảo an toàn cho sức khỏe của lao động trên tàu.
Là chủ một tàu 24m lưới chụp đánh bắt tuyến khơi trên vùng biển Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Dũng (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn) cho biết, hiện tại, mỗi 1 chuyến ra khơi là đội tàu của ông chi phí hết khoảng từ 180-200 triệu đồng, trong đó tốn kém nhất là tiền dầu.
Tuy nhiên, sau khi được tập huấn sử dụng bóng Led thì ông Dũng cho biết ông cũng muốn được hỗ trợ để được sử dụng công nghệ này. Nếu được hỗ trợ lắp bóng Led thì mỗi chuyến đi biển, đội tàu của ông sẽ giảm được từ 50-60% chi phí.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường thì huyện đảo Vân Đồn cũng triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích để ngành khai thác thuỷ sản phát triển như: Hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên...; tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp phương tiện, từng bước vươn khơi xa. Nhờ đó, ngư dân trên đảo đã yên tâm bám biển.
Hiện trên ngư trường đã hình thành các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để phát huy sức mạnh tập thể trong khai thác, tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, rủi ro... Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy sản của huyện tăng liên tục qua các năm.
Năm 2018, sản lượng khai thác thuỷ sản của huyện đạt 13.520 tấn; năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác đạt gần 16.000 tấn; 9 tháng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt 51.093 tấn, bằng 62,3% so với cùng kỳ.