Đó là nhận định của Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca nhấn mạnh: “Xu hướng chung của phát triển khoa học công nghệ biển trong tương lai là cung cấp các số liệu khoa học tốt hơn để phục vụ quản lý biển, phòng chống thiên tai biển và phát triển bền vững kinh tế biển. Hiện đang có những yêu cầu mạnh mẽ về việc áp dụng các công nghệ số để cung cấp các thông tin tốt hơn về tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển”.
Các công nghệ số đang được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ biển bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, siêu máy tính, công nghệ điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data), các nền tảng kỹ thuật số phức tạp, công nghệ chuỗi khối (blockchain), thiết bị bay không người lái (drones), các cảm biến đo đạc, các vệ tinh nhỏ, công nghệ gen và âm học…
Chẳng hạn, do sóng vô tuyến không thể lan truyền trong môi trường biển nên công nghệ âm học được sử dụng để liên lạc, điều khiển các thiết bị đo ngầm dưới biển, đặc biệt là các thiết bị đo đạc tại các độ sâu lớn.
Công nghệ tính toán, dự báo thời tiết, khí hậu và thiên tai biển cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu và thiên tai đang được nghiên cứu, cải tiến liên tục để mô phỏng chính xác hơn các hiện tượng tự nhiên và tận dụng được các lợi thế mà công nghệ tính toán hiện đại đem lại. Hệ thống đo đạc, xử lý dữ liệu bằng các công nghệ mới cho phép cung cấp một hệ thống số liệu rất đầy đủ, chi tiết về các điều kiện khí tượng, hải văn thời gian thực. Các mô hình sẽ tích hợp tất cả các số liệu đo đạc mới nhất nhằm đưa ra các kết quả tính toán nhanh và với độ chính xác cao các điều kiện thời tiết, khí hậu và thiên tai trong tương lai để phục vụ vận hành các ngành kinh tế biển và phòng chống thiên tai.
Khẳng định “các tiến bộ trong nghiên cứu biển chỉ có thể đạt được thông qua các tiến bộ về công nghệ”, Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca nêu một loạt ví dụ như: Tự động hóa việc đo đạc các thông số môi trường và sinh thái biển nhờ công nghệ viễn thám vệ tinh; Đo đạc trực tiếp các yếu tố môi trường, sinh thái biển nhờ các trạm phao tự động, các phao trôi, các thiết bị đo đạc tự hành có thể lặn sâu dưới biển và đo đạc theo chương trình đã định sẵn, như thiết bị Argo; Sử dụng các công nghệ vi cảm biến và cảm biến nano, các máy tính có tốc độ tính toán cao để tính toán, xử lý các số liệu quan trắc tự động và tính toán, dự báo môi trường biển và đại dương trong tương lai; Các tàu nghiên cứu khoa học với thiết bị đo đạc có độ chính xác cao được gắn trên tàu cung cấp những thông tin chi tiết, chính xác hơn nhằm bổ sung cho những khiếm khuyết của các phương pháp đo đạc bằng viễn thám và các thiết bị đo đạc tự hành tự động...
“Tất cả các công nghệ nêu trên đều được sử dụng với mục đích đo đạc, thu được nhiều số liệu về biển và đại dương, đặc biệt là các số liệu về các hệ sinh thái biển và các chức năng của chúng. Các công nghệ nêu trên cũng giúp tăng cường chất lượng các số liệu đo đạc được, quản lý, xử lý và sử dụng số liệu một cách hiệu quả hơn; cho phép nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng số liệu có thể sử dụng các số liệu đo đạc được một cách tốt nhất, tạo ra các giá trị gia tăng cho số liệu. Mục đích sau cùng của các công nghệ là giúp phát triển bền vững hơn các ngành kinh tế biển, làm gia tăng sự đóng góp của biển và đại dương vào GDP của mỗi quốc gia trong khi vẫn gia tăng hoặc duy trì được các dịch vụ hệ sinh thái của biển, đại dương và vùng bờ biển”, Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca chia sẻ thêm.