Theo lời anh, không ít bài thi đã sao chép vô tội vạ sách vở và các nguồn tư liệu mở trên Internet mà không hề có bất kì ghi chú dẫn nguồn nào cả. Có những bài hầu như chỉ là cắt ghép lộn xộn những đoạn văn dài từ nhiều nguồn khác nhau, mà nếu có sử dụng ngoặc kép đúng luật thì cả bài sẽ chi chít ngoặc kép.
Học thuộc lòng thì không gọi là sao chép!
“Nếu cứ thẳng thắn mà chấm điểm thì tất cả những bài thi đó đều đáng đánh trượt”, anh nói. Nhưng đó là năm đầu tiên anh dạy sinh viên Việt Nam nên để cẩn thận, anh dành thời gian nói chuyện với từng sinh viên trước khi hạ bút cho điểm.
Điều khiến anh ngạc nhiên là tất cả sinh viên không nhìn ra lỗi sai của họ. Một sinh viên thậm chí còn lí luận rằng bạn ấy không sao chép, bạn ấy đã dành thời gian chăm chỉ học thuộc lòng tất cả những câu chữ kia để đưa vào bài thi và như thế thì không gọi là sao chép!
“Có điều gì đó bất bình thường với tư duy của những sinh viên này”, vị giáo sư nhận xét. “Tư duy văn mẫu”, tôi trả lời. Hôm đó, tuy không có ý định bào chữa cho các bạn sinh viên cùng bài thi mắc lỗi nặng của họ, tôi đã giải thích về lối học sáo mòn từ hàng chục năm nay ở các cấp phổ thông của học sinh Việt Nam. Đó là học theo văn mẫu, chép từng câu từng chữ của thầy và học thuộc lòng để đi thi. Xét cho cùng, lỗi không phải ở họ, lỗi là ở cách dạy và học sai lầm được dung dưỡng quá lâu trong nền giáo dục Việt Nam.
Ai đã từng trải môi trường học đường Việt Nam hẳn chẳng xa lạ gì với văn mẫu và nhan nhản sách tham khảo văn mẫu các cấp với đủ thể loại đề bài khác nhau. Rất nhiều học sinh bị phụ thuộc vào văn mẫu và càng phụ thuộc vào đó, họ càng chán ghét môn văn bởi áp lực học thuộc những bài văn dài như sớ.
Văn mẫu bán chạy như tôm tươi không chỉ vì học trò lười tư duy mua sách để học thuộc mà còn vì chính các thầy cô giáo cũng dễ dãi bằng lòng với câu chữ xuôi tai, cách hành văn sạch sẽ mà thực chất là chữ nghĩa được sản xuất hàng loạt trong các cuốn văn mẫu.
Văn mẫu đã đồng phục hoá tư duy của học sinh từ lúc nào không hay bằng sự hời hợt chấp nhận, thậm chí đồng loã tiếp tay của những người đứng trên bục giảng chỉ quen dạy theo lối mòn để giúp học sinh đi thi ăn điểm nhờ viết đúng barem. Rồi cũng chính lối học và dạy bằng văn mẫu này phát sinh nhiều hệ luỵ nực cười khác trong học đường như học tủ, đoán đề thi. Cứ thế, việc học văn nói riêng và học các môn xã hội nói chung trở thành cái vòng luẩn quẩn đầy rẫy bất cập.
Tê liệt năng lực sáng tạo
Thật đáng buồn là thực trạng “tư duy văn mẫu” lại không còn là điều “bất bình thường” như cách một người ngoài cuộc nhìn ra. Trái lại, nó tràn lan và phổ biến đến độ đã nghiễm nhiên trở thành chuyện thường tình.
Sự bình thường hoá cách học lỗi lầm này gây ra những điểm mù trong nhận thức của học sinh, khiến họ mất khả năng phân biệt đâu là kiến thức phổ thông, đâu là sáng tạo cần có khi viết bài. Văn mẫu cũng gây tê liệt rồi dần dà giết chết năng lực sáng tạo của học sinh - điều lẽ ra cần được khuyến khích và chăm bẵm để phát triển trong quá trình học tập.
Tệ hại hơn nữa là lối học bằng văn mẫu bóp méo hoàn toàn khái niệm học hành, khiến nhiều học sinh chăm chỉ tự biến mình thành con vẹt thay vì hướng sự chăm chỉ đó vào việc thực hành những kĩ năng đúng. Và họ nhầm tưởng đọc vẹt tức là học. Tai hại thay!
Tất nhiên là vị giáo sư người nước ngoài kia sửng sốt khi nghe tôi nói tỉnh bơ về sự hiện diện của các cuốn văn mẫu trong môi trường học đường Việt Nam. Tôi không chắc lần đó, nhờ “bào chữa” của tôi, các sinh viên của anh có được nương tay chút nào không, nhưng tôi hoàn toàn cảm thông với nỗi kinh ngạc của anh - người đến Việt Nam để giảng dạy sinh viên đại học lại bỗng phải gánh thêm một công việc hết sức nặng nề. Đó là chữa lỗi tư duy văn mẫu - hậu quả của cách học trong những năm phổ thông.
Mới đây, được biết Bộ Giáo dục đã lên tiếng yêu cầu ngăn chặn tình trạng học thuộc và chép văn mẫu. Tôi sẽ chia sẻ tin vui này đến người bạn để anh có thêm kiên nhẫn đứng trên bục giảng ở Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Thanh Lưu