- “Ngày tồi tệ” đã đến với châu Âu. Người dân nước Anh đã chọn rút khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit) và cơn ác mộng đối với thị trường tài chính khu vực này cũng như thế giới được cho là mới chỉ bắt đầu.


Vàng đỉnh, chứng khoán cắm đầu

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/6 trên thị trường châu Âu (đầu giờ chiều 24/6 giờ Việt Nam), đồng Bảng Anh (GBP) cũng đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, còn chưa đầy 1,35 USD đổi 1 GBP. Trong phiên sáng, có lúc GBP chạm mốc 1,3319 USD, tương đương giảm 10%.

Đây là mức giảm chưa từng có trong lịch sử của đồng Bảng Anh, hơn cả thời điểm đen tối khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Nó còn tồi tê hơn cả thời điểm đồng GBP bị buộc phải rời khỏi hệ thống ngoại hối châu Âu năm 1992 (khi đó giảm hơn 4%).

{keywords}
Quyết định của người dân Anh rút khỏi EU khiến thị trường tài chính chao đảo.

So với Franc Thụy Sĩ, GBP giảm gần 8,6% và giảm tới gần 15% so với Yên Nhật. Trong một dự báo gần đây, Ngân hàng Bank of England cho rằng, Brexit có thể khiến GBP giảm 20%, còn Bộ Tài chính Anh dự báo mức độ giảm là 12%.

Cũng ngay sau khi Brexit được công bố, gần như toàn bộ các TTCK toàn cầu giảm điểm. TTCK Nhật thậm chí phải tạm đóng cửa sau khi chỉ số Nikkei có lúc giảm hơn 8%, mức giảm tồi tệ nhất trong 5 năm trở lại đây. Sàn Thượng Hải cũng đã có động thái tương tự. FTSE100 của Anh giảm hơn 5%.

Cổ phiếu của các công ty Nhật có hoạt động kinh doanh tại Anh rớt thảm hại. Cổ phiếu Hitachi giảm hơn 10%, Dentsu giảm 9%, Nissan rớt trên 8%. Tại trung tâm tài chính Hong Kong, tâm lý hoảng sợ cũng khiến chỉ số Hang Seng giảm gần 5%. Cổ phiếu Ngân hàng HSBC thậm chí còn mất 9%, và Standard Chartered giảm 9,56%. Chứng khoán Việt Nam có lúc rớt hơn 34 điểm (-5,4%) khiến vốn hóa thị trường bốc hơi 3,5 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, vàng với tư cách là kênh trú ẩn khi khủng hoảng, đã tăng vọt hơn 8% có lúc lên tới 1.340 USD/ounce. Tại Việt Nam, giá vàng cũng đã tăng theo khoảng 1,2 triệu đồng/lượng, lần đầu tiên trong nhiều năm lên sát 36 triệu đồng/lượng.

Giới đầu tư cũng dồn dập đổ tiền vào một kênh an toàn khác là đồng Yên của Nhật. Đồng tiền này đã tăng hơn 6%, mức mạnh nhất trong gần 2 thập kỷ qua.

{keywords}
Vàng tăng vọt, chứng khoán giảm, Euro và Bảng Anh tuột dốc.

Trên thị trường New York, chỉ số giá dầu thô tương lai có lúc giảm tới 5,5%. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên sàn giao dịch New York giảm mạnh 6,5% xuống còn 46,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng giảm tới ở mức tương tự xuống còn 47,6 USD/thùng.

“Một ngày tồi tệ cho châu Âu”. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đã viết trên Twitter sau khi nhận được kết quả người Anh bỏ phiếu chọn khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm.

Trong khi đó, trên FT, bộ trưởng ngoại giao Áo Sebastian Kurz cho rằng, Brexit là một cơn địa chấn chính trị. Còn cựu thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb gọi đây là "cơn ác mộng" và châu Âu sẽ bị sốc.

Cơn ác mộng mới bắt đầu?

Sự hoảng loạn của thị trường tài chính thế giới đã phần nào cho thấy nỗi lo của giới đầu tư về hệ quả của việc nước Anh rời khỏi EU.

{keywords}
Nhiều chính trị gia các nước đã nghĩ về các cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi EU.

“Vấn đề không chỉ ở Anh. Khi Anh rời EU, thì có thể Pháp, Đức cũng trưng cầu dân ý để ra đi. Nếu như vậy, có thể xảy ra tình huống EU tan ra và dẫn tới khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Việc người dân nước Anh quyết định rời EU có thể là một rủi ro cho nền kinh tế thế giới”, ông Phan Văn Nhân, chuyên gia phân tích chứng khoán tại TP.HCM đánh giá.

Trên thực tế, sau khi phe Brexit chiến thắng, điều mà giới đầu tư lo ngại nhất chính là sự rạn nứt trong khối này. Nhiều NĐT lo ngại về khả năng xả ra hiệu ứng domino đe dọa toàn bộ liên minh này.

Trên tờ The Guardian, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen - ứng cử viên cho cuộc chạy đua tổng thống Pháp năm 2017 nói: "người Pháp bây giờ cũng có quyền được lựa chọn".

Trong khi, trên trang GlobalNews, chính trị gia Hà Lan Geert Wilders cũng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về việc Hà Lan rút ra khỏi EU (Nexit).

“Chúng tôi muốn tự chịu trách nhiệm về đất nước của chúng tôi, tiền của chúng tôi, biên giới của chúng tôi, chính sách nhập cư của riêng chúng tôi”, ông Wilders tuyên bố. “Nếu tôi trở thành thủ tướng, sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi EU. Hãy để cho người dân Hà Lan quyết định”.

Có thể thấy, Brexit là 1 sự kiện lịch sử. Hầu hết các chuyên gia thế giới đều thừa nhận, sự kiện này sẽ có tác động to lớn cho cả nước Anh, châu Âu và thế giới trong thời gian tới.

Sau hàng chục năm, vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Luân Đôn đã bị đặt dấu hỏi. Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này có thể rơi vào tình trạng khó khăn khi ra khỏi EU do vốn đầu tư vào nước này có thể suy giảm, thương mại với châu Âu và thế giới có thể tụt lùi.

Với Việt Nam, Brexit đã có những tác động đầu tiên tới TTCK. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự kiện Brexit sẽ ảnh hưởng châu Âu, Mỹ nhiều hơn. Châu Á có ảnh hưởng nhưng chủ yếu là Singapore, Nhật, Hồng Kông bị ảnh hưởng. Việt Nam hội nhập chưa thực sự sâu rộng sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn. Tuy nhiên, cần có những đánh giá cụ thể hơn, giống như các vụ biển Đông không ảnh hưởng nhiếu đến kinh tế.

Ông Nhân cho rằng, những hệ lụy lâu dài của Brexit tới kinh tế thế giới có thể rất lớn. Tồi tệ nhất có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Nếu như vậy, Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng mạnh.

Còn trước mắt, Brexit khiến đồng Bảng Anh và Euro xuống giá, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực này kém cạnh tranh. Những bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá các ngoại tệ với VND và ảnh hưởng tới dòng vốn trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

M. Hà