Vàng tăng dữ dội

Sau khi tăng mạnh hơn 16% trong 6 tháng đầu năm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng vọt trong phiên đầu tháng 7. Giá vàng trong nước đầu giờ chiều 1/7 đã lên tới 49,8 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá mua vào cũng đã đạt 49,4 triệu đồng.

So với cuối giờ chiều 30/6, giá vàng tăng 400.000-430.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. So với cách đây 1 tuần, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 800.000 đồng/lượng. Tính từ đầu năm, vàng SJC đã tăng khoảng 5,5 triệu đồng/lượng.

Tại hệ thống của Bảo Tín - Minh Châu, giao dịch tăng khá mạnh theo biến động của giá vàng, trong đó lượng khách mua vàng chiếm tỷ lệ cao hơn, khoảng 60%, so với mức 40% lượng khách bán ra. Nhiều người mua vào do giá thế giới quy đổi hiện cao hơn giá vàng trong nước.

Đại diện công ty vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội cho biết, nhiều người dân mua vàng với tính toán vàng có thể lên giá và coi đây là một kênh đầu tư tốt hơn so với nhiều kênh đầu tư khác trong bối cảnh thế giới bất ổn, trong khi đó một số người mua để tất toán các khoản nợ vàng, cũng do lo ngại giá còn lên.

{keywords}
Biến động giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân tại Hà Đông, kể rằng ông mua vàng để trả nợ cho khoản vay mua ô tô cách đây vài năm. Năm 2017, vàng ổn định quanh mức 36-37 triệu đồng/lượng nhưng mặt hàng kim loại quý này tăng nhanh trong năm 2019 và đầu 2020 khiến ông lo ngại.

Điều ông Tuấn cũng như nhiều người phải tính đến là giá vàng vẫn không ngừng đi lên bất chấp lạm phát đứng ở mức thấp. Trong khi giá cả chưa leo thang mà vàng đã tăng nhanh như vậy, thì nhiều khả năng trong tương lai vàng có thể có những đợt bứt phá mạnh hơn nữa.

Trong một năm rưỡi qua, giá vàng thế giới đã có mức tăng khá ấn tượng, lên tới 16,5% trong nửa đầu 2020 sau khi đã tăng 18,4% trong năm 2019. Giá vàng trong nước cũng đã tăng khoảng 16% kể từ đầu năm.

Giá vàng trong nước gần đây chùng lại trước ngưỡng 50 triệu đồng/lượng nhưng đang có những tín hiệu có thể bứt phá nhanh qua mức này khi mà giá vàng thế giới quy đổi đã vượt qua ngưỡng cản tâm lý này trong nhiều phiên gần đây.

Tính tới cuối giờ chiều 1/7, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.788 USD/ounce (tương đương 50,6 triệu đồng/lượng). Giá vàng giao tháng 8 thậm chí đã lên tới 1.806 USD/ounce (tương đương 51,2 triệu đồng/lượng).

Đây là mức giá cao nhất trong vòng 8 năm rưỡi. Với cú bứt phá trong vài phiên gần đây, theo Kitco, biểu đồ phân tích kỹ thuật trở nên tích cực hơn bao giờ hết, tạo ra một xu hướng tăng mạnh hơn. Vàng được dự báo sẽ tiếp tục đi lên và lập những đỉnh cao mới.

{keywords}
Biến động giá vàng SJC kể từ đầu năm.

Tiềm năng những đợt tăng mới

Một điểm đáng lưu ý là, độ chênh lệch giữa giá vàng theo hợp đồng giao tháng 8 và giá giao ngay được nới rộng ra trong thời gian gần đây, từ mức 2-3 USD lên tới mức 15-17 USD/ounce như hiện tại.

Sự chênh lệch lớn giữa vàng kỳ hạn và vàng giao ngay phản ánh sự lo ngại vàng sẽ khan hiếm hơn trong tương lai và mặt hàng này vẫn ở trong xu hướng đi lên. Nhu cầu đầu tư vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn tiếp tục gia tăng. Sức mua vàng tăng mạnh bất chấp áp lực chốt lời cũng không hề nhỏ mỗi khi giá vàng chinh phục một mức cao mới.

Nhiều tổ chức tài chính cho rằng, về dài hạn hạn vàng còn tiếp tục tăng giá, nhất là khi đã vượt quang ngưỡng cản quan trọng như 1.750 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 thậm chí đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Thời gian tới, vàng sẽ chinh phục các đỉnh cao mới là 1.850, có thể 1.900 USD/ounce khi dịch Covid-19 ngày càng khó lường.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỷ USD. Theo đại diện IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và bằng một nửa so với mức giảm 10% trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930.

{keywords}
Những bất ổn trên thế giới là các yếu tố hỗ trợ cho vàng.

Các yếu tố cơ bản vẫn đang đảm bảo cho vàng tăng giá. Đó chính là làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai mà qua đó có thể khiến nền kinh tế thế giới thêm suy yếu, là những dòng tiền khổng lồ được ngân hàng trung ương các nước bơm vào nền kinh tế, rồi căng thẳng thương mại và địa chính trị ở nhiều nơi trên thế giới...

Trên Kitco, Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt mức kỷ lục 2.000 USD/ounce trong 12 tháng tới. Trong khi Tập đoàn United Overseas Bank cho rằng, vàng sẽ là mặt hàng chủ chốt duy nhất có triển vọng tích cực trong phần còn lại của năm. Các dự báo dựa trên nỗi lo lạm phát gia tăng và lãi suất thực âm ở nhiều quốc gia.

Vàng tăng cao còn do giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thêm ảnh hưởng từ làn sóng kích động thù hận trên các mạng xã hội. Hàng loạt tập đoàn lớn gần đây như Ford, Starbucks, Coca-Cola, Unilever,... đã tẩy chay quảng cáo trên các mạng xã hội, trong đó có Facebook.

Một số tổ chức dự báo, vàng thậm chí vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của thị trường tăng giá. Đây có lẽ sẽ là thị trường tăng giá mạnh nhất và biến động nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Vàng được dự báo sẽ lên mức 3.000-5.000 USD/ounce (85-142 triệu đồng/lượng) trong 3 năm tới.

Giá vàng còn được hỗ trợ bởi những dự báo từ nhiều đại diện của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, nền kinh tế Mỹ còn lâu mới khỏe mạnh và sự phục hồi hoàn toàn có thể sẽ phải mất nhiều năm để đạt được.

Căng thẳng Mỹ-Trung, Hàn-Nhật, Trung-Ấn,... cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên. Tuy nhiên, trước mắt, vàng vẫn chịu áp lực chốt lời lớn sau chuỗi ngày tăng giá không ngừng nghỉ. United Overseas Bank nhận định vàng sẽ thực sự bước vào một đợt tăng mới từ cuối quý III.

V. Minh