Từ lâu, người dân đã được nghe điệp khúc cải cách hành chính (CCHC), nhưng càng nghe, họ càng thấy điệp khúc này gần với giai điệu... hành là chính.
Trong quá trình CCHC, những công cụ mới phải mang lại hiệu quả cao hơn và sự tiện lợi lớn cho công chúng - người sử dụng dịch vụ hành chính công. Bằng không chúng sẽ là vật cản của quá trình cải cách.
Những quan sát thực tế, những than phiền người dân ngày càng nhiều về hoạt động công chứng cho thấy nó là vật cản trong quá trình CCHC. Nếu cần phải cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà để tăng tính hiệu quả và tiện lợi, giảm bớt những vật cản của quá trình CCHC, thì hoạt động công chứng cần được loại bỏ đầu tiên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thutuchanhchinh.vn |
Phiền hà
Một trong những hoạt động chính của nó hiện nay là "chứng nhận sao y bản chính" các giấy tờ - một việc đang gây nhiều phiền nhiễu cho người dân.
Chứng nhận tình trạng "sao y bản chính" có nghĩa là đối chiếu để xác định bản sao trung thực về nội dung thông tin với bản chính. Thao tác của công chứng viên chủ yếu là nhìn xem hai bản như nhau không và chứng thực.
Thế nhưng, thật oái oăm, họ không chấp nhận bản sao chụp không chụp bằng máy photocopy của văn phòng công chứng, cho dù chất lượng cao hơn hẳn bản chụp trên máy của họ? Vì sao? Không có câu trả lời nào có cơ sở khoa học hay tính thuyết phục mà chỉ có thể hiểu đó là sự bắt bí để thu tiền.
Bản sao chụp nào trước khi có xác nhận "sao y bản chính" của công chứng cũng đều hoàn toàn như nhau về "tư cách". Họ thu tiền sao chụp cao hơn hẳn dịch vụ sao chụp bình thường từ bốn đến năm lần.
Với mỗi người thì số tiền này không lớn nhưng tính cửa quyền, sự vô lý và sự bất bình mà nó mang lại cho người dân thì rất lớn. Đó là sự nhũng nhiều đầu tiên.
Khốn khổ cho người dân hơn nữa là nạn cò. Vì phải chầu chực, đi lại mất thời gian, người dân bị nạn cò móc túi. Bọn người cò này chẳng cần phải xếp hàng chờ đợi. Có tiền cho họ, chỉ "một loáng" là có kết quả ngay. Ai vội không thể thoát cạm bẫy này. Như thế, rõ ràng cán bộ công chứng đã thông đồng với cò để móc túi người dân bằng tiểu xảo cố tình kéo dài sự chờ đợi.
Dịch "đại"
Trước khi có CCHC, việc chứng nhận sao y bản chính thường được làm tại UBND, văn bằng có thể được công chứng tại cơ sở đào tạo cấp văn bằng đó và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật ... Từ ngày "ca khúc" CCHC được tấu lên, văn phòng công chứng mọc lên như nấm khắp nơi. Không đâu có nhiều phòng công chứng như ở VN, tôi tin như thế.
Người ta phải tin con dấu của công chứng hơn con dấu của UBND, của cơ sở đào tạo ...?
Điều nữa, vì giấy tờ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và cả văn bản bằng nhiều tiếng nước ngoài, tuy nhiên, văn bản cần dịch giữa tiếng Việt và tiếng Anh vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt văn bằng chứng chỉ ...
Số người tham gia dịch cho công chứng hầu hết mới "chuyển tay lái" sang tiếng Anh. Cách làm của họ là tham khảo "mót" kiểu du kích một số mẫu giấy tờ, văn bằng ..., và biến chúng thành những "bản mẫu", rồi cứ thế là ... điền vào chỗ trống cho giấy tờ mới, tương tự như khai mẫu giấy tờ khác (form).
Rất tiếc, giấy tờ hành chính và nhất là văn bằng của các nước rất khác nhau, kể cả giữa các nước nói tiếng Anh.
Chính vì làm việc theo lối chắp vá, du kích như nên chuyện dịch sai, "râu ông nọ cắm cằm bà kia" là chuyện dễ hiểu.
Xin dẫn một ví dụ:
Một lần người bạn tôi nhận được giấy mời của cơ quan ngoại giao Vương quốc Anh mời đi thăm và làm việc với một số trường đại học của họ. Vì bức thư mời chi khoảng 200 từ và ngày đó chỉ có một, hai phòng công chứng tại Hà Nội, ông dịch trước ở nhà để tiết kiệm thời gian chờ đợi.
Khi người nhà mang giấy tờ và bản dịch đến phòng công chứng, công chứng viên không thèm xem bản dịch và dịch lại, có nghĩa là phải chờ đợi. Đành phải chờ. Khi giấy mời đã công chứng được chuyển cho cơ quan xuất- nhập cảnh để làm thủ tục tiếp theo, cơ quan này trả lại vì "dịch không đúng nội dung bản gốc".
Người nhà cầm về, lúc đó ông xem bản dịch thì đúng là công chứng đã dịch sai. Người ta mời ông đi thăm và làm việc với một số "trường đại học hàng đầu của Anh quốc" thì được dịch là "dẫn đầu đoàn các trường đại học đi thăm Anh" - chỉ vì trong đó có mấy chữ "leading institutions" (các trường hàng đầu).
Tự nhiên được phòng công chứng trao "một trọng trách" như thế, ông liền gọi điện đến phòng công chứng (phố Tuệ Tĩnh?) và hỏi về chuyện này. Thật "đau" cho ông, người dịch sai lại chính là người đã học tiếng Anh ở ông trong khóa học "văn bằng hai". Và người công chứng viên nhận ra ông thầy cũ của mình trên điện thoại. Ông cười cay đắng: "Thêm một ví dụ về thất bại trong giáo dục - gậy thầy đập lưng thầy!"
Chuyện tương tự như thế chắc không phải hiếm - thư gửi cho cơ quan thì thành gửi cá nhân và ngược lại. Đơn giản vì người dịch không nắm được thông tin tổng thể và cụ thể bằng chính người trong cuộc, nên ... "lộn" là phải.
"Dear ITP" thì thành "Thưa trường ITP" mà nội dung chẳng có chỗ nào là "trường ITP" cả. (Nó chỉ là một nhóm nghiên cứu chuyên môn). Đúng là "dịch đại", nhưng người đọc trong cuộc cũng chẳng buồn quan tâm đến bản dịch sai của công chứng, vì là người trong cuộc nên họ biết rõ ITP là cái gì rồi.
Đó là chưa kể đến thực tế các lĩnh vực thì vô cùng phong phú. Thật đáng khâm phục là các ông, bà ở văn phòng công chứng có thể hiểu để dịch được các giấy tờ thuộc mọi lĩnh vực.
Xã hội thiếu sự tin cậy?
Mọi công dân phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ xác thực của hồ sơ. Tại sao các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, ... không ra một quy định đơn giản là để đương sự nộp bản sao. Khi cần chứng minh nội dung bản sao đó, đương sự chỉ cần xuất trình bản chính đến để đối chiếu. Thế là xong.
Thực tế những năm qua cho thấy có cán bộ sử dụng bằng giả trong hồ sơ. Họ có qua công chứng không? Nếu có, thì đó là một bằng chứng cho thấy công chứng không có tác dụng.
Gần đây nhất, như trong vụ lừa đảo vay tiền bằng sổ đỏ ở Từ Liêm (Hà Nội), các giấy tờ đều được "ký có sự chứng kiến của công chứng" thế mà bao người dân vẫn bị lừa đảo. Vậy công chứng "chứng" cái gì và để làm gì? Nếu không có bản sổ đỏ "được công chứng", bọn lừa đảo không thể vay được ngân hàng vì người dân không giao sổ gốc cho những người kia.
Giấy tờ có dấu quốc huy vẫn chưa đủ độ tin cậy thì ai tin vào dấu của công chứng? Có lẽ lại phải có cơ quan xác nhận dấu của công chứng là xác thực nữa thì mới được chăng?
Trong quá trình CCHC, Nhà nước cần loại bỏ dần những giấy tờ bắt công chứng tiến tới bỏ hẳn dịch vụ công chứng?
Gánh nặng biên chế
Bộ Nội vụ thử làm một điều tra thống kê xem bao nhiêu người trong đội ngũ công chứng đông đảo như bây giờ là người thân của cán bộ trong ngành tư pháp. Họ đi đâu nếu bỏ dịch vụ công chứng? Họ lại về làm cán bộ của các Bộ, các ngành, ... chứ còn đi đâu! Biên chế "cán bộ Nhà nước" chỉ phình thêm ra.
Lương cho công chức là tiền thuế của người dân, tài nguyên của đất nước. Cái lưng còng của người dân có ngay lên không hay lại gập xuống thêm vì cõng một đội quân khổng lồ ... hành là chính?
Không bỏ được công chứng - một trong nhiều viên sỏi trong cỗ máy hành chính, không giảm bớt đội quân công chức khổng lồ kia, CCHC vẫn chỉ là bài ca "hành là chính" mà thôi?
Nguyễn Phương