Tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua nhưng được đánh giá vẫn đang ở giai đoạn đầu và có thể bùng nổ trong thời gian tới do các “đại gia” đang vào cuộc tranh giành thị phần.

Thị trường vài chục tỷ USD

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dư nợ tín dụng tiêu dùng tới cuối 2016 đạt gần 650 ngàn tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), tương đương 11-12% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đây là kết quả của một thị trường phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên, thị trường này dự báo còn phát triển bùng nổ hơn và sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào 2019. Đây là một mốc có thể đạt được bởi thị trường này luôn có tốc độ tăng trưởng 2 con số trong 6-7 năm qua và các ngân hàng thương mại, công ty tài chính chuyên nghiệp và doanh nghiệp bán lẻ đang rất coi trong thị trường này.

{keywords}
Tín dụng tiêu dùng đang phát triển bùng nổ tại Việt Nam.

Tại Tại tọa đàm “Phát triển tài chính bán lẻ, cơ hội thúc đẩy tiêu dùng - phục vụ tăng trưởng kinh tế” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Nếu lấy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng như là biến đại diện cho mức độ tiêu cùng của nền kinh tế, thì tỷ trọng tiêu dùng của Việt Nam liên tục tăng cao, từ 52,5% vào năm 2005 lên mức 78,34% trong năm 2016.

Còn theo số liệu của cơ quan thông tin kinh tế EIU của tạp chí The Economists thì tổng mức tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân ở Việt Nam năm 2015 chiếm khoảng 67% GDP. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Singapore là 37%, Anh là 65%, Đức là 54% và Nhật Bản là 59%. Tại các nước châu Á thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất.

Việt Nam có quy mô dân số trên 92 triệu dân với 70% dân số đang trong độ tuổi 15-64 và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% là những yếu tố quan trọng cho thấy thị trường hàng hoá tiêu dùng của Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn.

Trong 10 năm qua các tên tuổi lớn về bán lẻ quốc tế liên tục xuất hiện tại Việt Nam như CircleK, Shop&Go, FamilyMart, BigC, Fivimart, Citimart, Simply Mart, Aeon, Lotte, Parkson, Takashimaya, Metro,..v.v... cùng với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa lớn mạnh như Vinmart, Coopmart, Thế giới di động,... Đây rõ ràng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Trên thực tế, thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam từ năm 2011 đến nay phát triển mạnh mẽ, giai đoạn 2011-2014 tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 30%/năm, và năm 2015 đạt 59%, song vẫn chưa tương xứng với một tỷ trọng tiêu dùng khổng lồ của nền kinh tế Việt Nam.

{keywords}
Thị trường tiêu dùng Việt Nam rất hấp dẫn.

Tiềm năng lớn, rủi ro nhiều

Mặc dù vậy, tín dụng tiêu dùng vẫn được coi là thị trường còn nhiều tiềm năng do số người trong độ tuổi lao động rất cao (khoảng 60 triệu người) và thói quen tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, chuyển từ vay người thân sang vay ngân hàng, vay công ty tài chính để mua sắm nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cá nhân và gia đình.

Dư nợ tín dụng tiêu dùng còn rất thấp so với tiềm năng của một “đất nước tiêu dùng” như Việt Nam. Với hơn 90 triệu người dân, nếu chỉ 10% (gần 10 triệu người) vay tiêu dùng với mức bình quân 50 triệu đồng/người/năm thì tổng số tiền cho vay đã lên gần 500 ngàn tỷ đồng.

Triển vọng của thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng là rất lớn. Lợi ích cũng rất nhiều, đặc biệt là góp phần không nhỏ vào việc hạn chế “tín dụng đen”. Nhất là khi, "bão" vỡ nợ tín dụng đen ngày càng nhiều, mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.

Với tín dụng tiêu dùng, người dân được tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức, dưới sự quản lý và bảo vệ của pháp luật. Nhất là với phân khúc dành cho người thu nhập thấp, vốn chưa được các ngân hàng tiếp cận nhiều.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Trước hết, đó là nhận thức của người vay tiêu dùng chưa cao. Nhiều người thấy vay dễ nên vay tràn lan và không ý thức về chuyện trả nợ và những hậu quả có thể xảy ra.

Đặc trưng của tín dụng tiêu dùng là cho vay không có tài sản đảm bảo, khách hàng có điểm tín dụng thấp, người đi vay không đủ điều kiện, gói vay có giá trị nhỏ,... do vậy chi phí hoạt động và bù trừ rủi ro cao nên lãi suất cao.

Để có thể cho vay với nhóm đối tượng như vậy, rủi ro của các công ty tài chính (CTTC) là rất cao. Đồng thời, chi phí để quản trị các khoản vay nhỏ tính trên dư nợ cho vay cũng lớn hơn so với các khoản vay giá trị lớn.

Đại diện EY Việt Nam cho rằng, mức độ cạnh tranh của thị trường cho vay tiêu dùng cũng ngày càng khốc liệt, một phần là do hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều tập trung nguồn lực tại khu vực thành thị hoặc các khu công nghiệp, trong khi đó, dân số tại các khu vực này chỉ chiếm gần 40% tổng dân số cả nước. Thời gian tới, việc mở rộng ra khu vực nông thôn có thể là một hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ được nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài.

H. Tú