Trong loạt kết luận thanh tra các đầu mối xăng dầu vừa ban hành, Bộ Công Thương xác định rất nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn đã không làm đúng quy định dự trữ lưu thông, nhập khẩu với mặt hàng thiết yếu này.

Hụt dự trữ

Như tại Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S (trụ sở tại P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), trong thời kỳ thanh tra, từ 1/2021 đến đầu tháng 2/2022, công ty này có nhiều tháng không đảm bảo quy định về dự trữ thương mại. Khi đối chiếu báo cáo của doanh nghiệp với báo cáo tồn kho, xuất nhập cho thấy, chỉ có thời điểm 1/4/2021, 1/6/2021 và 1/2/2022, doanh nghiệp này thực hiện được quy định dự trữ bắt buộc. Còn lại các tháng khác là vi phạm.

Một cây xăng thuộc hệ thống phân phối của Công ty S.T.S - đầu mối có nhiều vi phạm thời gian qua (Ảnh: Chí Hùng)

Trong khi đó, theo quy định, mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu mà Công ty Xuyên Việt Oil (TP.HCM) phải thực hiện trong giai đoạn tháng 1-12/2021 là 94.680m3. Giai đoạn 2/1-11/2/2022 là 94.660 m3. Nhưng đối chiếu với báo cáo được chính doanh nghiệp cung cấp và báo cáo định kỳ mà công ty gửi cho Bộ Công Thương từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2022, thanh tra xác định, các thời điểm đó doanh nghiệp chưa thực hiện dự trữ xăng dầu bắt buộc theo đúng quy định của Nghị định kinh doanh xăng dầu. Đầu mối này cũng không có báo cáo tồn kho hàng quý, năm và tồn kho xăng dầu tại ba miền gửi về Bộ Công Thương.

Một điểm đáng chú ý nữa: Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty Xuyên Việt tuy là doanh nghiệp đầu mối nhưng phải đi mua xăng dầu lại từ công ty con của mình là Công ty CP Viet Oil Group Lado, mặc dù công ty này không phải thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối. Điều này được Bộ Công Thương nhấn mạnh là “không phù hợp với quy định của Nghị định kinh doanh xăng dầu và thông tư hướng dẫn”.

Tại Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, kết luận thanh tra nêu rõ, đầu mối này duy trì mức dự trữ thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Cụ thể, tồn kho xăng dầu các loại của các tháng 8/2021-1/2022 đều thấp hơn mức dự trữ tối thiểu. Trong năm 2021, có đến 7 tháng tồn kho dầu DO của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

Đặc biệt, với Công ty Phúc Lâm, từ tháng 1-12/2021, các báo cáo xuất nhập hàng, tồn kho xăng dầu của doanh nghiệp cho thấy, tại thời điểm ngày 1 các tháng trong năm 2021 và ngày 1/1/2022, đầu mối này chưa thực hiện đúng quy định về dự trữ thương mại xăng dầu bắt buộc. Điều đáng nói nữa là doanh nghiệp này liên tục bị phát hiện sai phạm mua cả xăng dầu của doanh nghiệp đã bị rút giấy phép kinh doanh (Công ty Đông Đô) lẫn mua trái quy định từ các công ty không phải thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối.

Thương nhân xuất nhập khẩu nhưng né trách nhiệm nhập khẩu

Không chỉ vi phạm về dự trữ, không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn bị đoàn kiểm tra điểm tên không nhập khẩu đủ xăng dầu theo hạn mức được giao.

Ví dụ như Công ty Hoà Khánh. Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương giao cho doanh nghiệp trong năm 2021 là 110.000m3 và 128.000m3 năm 2022. Trong đó, hạn mức nhập khẩu tối thiểu là 6.000m3 mỗi năm (gồm 3.000m3 xăng và 3.000m3 dầu diesel). Tuy nhiên, tài liệu xác minh cho thấy, năm 2021, Công ty Hoà Khánh không thực hiện nhập khẩu, là vi phạm quy định “nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn hạn mức tối thiểu được giao”.

Hay với Công ty Trung Linh Phát, căn cứ hồ sơ hải quan cũng như đối chiếu tài liệu do doanh nghiệp cung cấp, Bộ Công Thương xác định, trong các tháng 4, 6, 8, 10 của năm 2021, Công ty Trung Linh Phát nhập khẩu thấp hơn hạn mức tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao, như việc nhập thiếu hơn 3.260m3 dầu DO.

Hoặc tại Công ty Hoá dầu Quân đội, tổng hạn mức nhập khẩu của đầu mối này vượt xa quy định. Nhưng riêng với mặt hàng xăng, doanh nghiệp không thực hiện nhập trong năm 2021, dù được giao hạn mức phải nhập tối thiểu là 5.000m3 xăng.

Việc các đầu mối không nhập khẩu đủ hạn mức cũng như không đảm bảo đủ nguồn dự trữ lưu thông được cho là một trong những nguyên do khiến thị trường xăng dầu trở nên khan hiếm trong thời gian qua.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi chủ trì cuộc họp về vấn đề cung ứng xăng dầu đầu tháng trước đã nói thẳng rằng: “Thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo nguồn xăng dầu mà Bộ đã giao”.

Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân, đại lý của mình còn phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ đồng thời lưu ý “đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối”.

Liệu rằng tới đây sẽ có một đợt sàng lọc các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khi mà kết quả thanh tra các đầu mối đã chỉ rõ các sai phạm?!

“Lỗ hổng” vay mượn xăng dầu?

Tại Công ty Vận tải Thuỷ bộ Hải Hà, thanh tra phát hiện đầu mối này có vay xăng dầu với Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Vận tải Ngọc Mai. Cụ thể, kết quả kiểm tra ngẫu nhiên một lô hàng vay cho thấy, Hải Hà vay 2.200m3 với giá thành tiền hơn 24,6 tỷ đồng và xuất trả gần 1 tháng sau đó. Đoàn thanh tra cho hay, theo quy định thì đây là hoạt động dân sự nhưng chưa được quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Do vậy, cần có quy định quản lý đối với hoạt động vay mượn hàng hoá là xăng dầu.

Về tổng nguồn, dù tổng thể, Công ty Hải Hà đã thực hiện vượt xa so với tổng nguồn được cơ quan quản lý giao song vẫn chưa đảm bảo thực hiện hạn mức tối thiểu với mặt hàng xăng. Cụ thể là nhập thiếu 104m3 các loại xăng. Điều này được thanh tra xác định “vi phạm nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu theo quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu”.

 

Chí Vỹ