Có phải là do "sập mạng toàn tập"? Có phải là đã "hết veo" 25.000 vé chỉ trong hơn 5 phút mở bán online? Hay có những gì khuất tất không trong việc bán vé?... Đủ những câu hỏi đầy sự nghi ngờ đối với sự quản lí và điều hành việc bán vé của VFF. Người ta nghi ngờ rằng, bán offline đã làm người hâm mộ khổ sở và ngoài những loại "vé anh, vé chú", vé công văn, vé tập thể, vé quan hệ, vé mời, vé tài trợ… còn có thể có tiêu cực tuồn vé ra chợ đen.
Cũng từ nghi ngờ này lại dẫn đến nghi ngờ khác khi vé được bán online nhưng chỉ sau hơn 5 phút đã hết 25.000 vé, có hay không tiêu cực theo kiểu online, có hay không số vé bán ra ít nhưng lại "kê vống" lên nhiều cho nên vé mới nhanh hết đến vậy?...
Nghi ngờ thì cũng chỉ là nghi ngờ thôi vì chẳng thể đưa ra được bằng chứng chứng minh có tiêu cực hay không ngoài những trang chụp màn hình website www.vebongdaonline.vn hiện lên những dòng chữ cho biết trạng thái không thể truy cập. Song, trường hợp website không thể truy cập hay bất ngờ đóng kết nối thì liệu đã có thể đủ khẳng định là "mạng sập toàn tập" hay chưa, hay chỉ rơi vào tình trạng quá tải truy cập gây nghẽn mạng, khiến những truy cập mới không thể, còn những truy cập trước đó thì ngừng trệ?...
Chuyện lùm xùm, nghẽn mạng rớt mạng của việc bán vé online không phải xưa nay hiếm. Điển hình là việc bán vé tàu Tết những năm qua, từng xảy ra rất nhiều lời ra tiếng vào về cách thức triển khai, về trang bị hạ tầng, về nghi vấn tiêu cực.v.v…, nói chung là cũng khó thoát được lời đồn. Thế nhưng, qua từng năm, việc bán vé tàu Tết cũng ổn định hơn, dần đi vào nề nếp, bên cạnh đó phía bán vé là ngành đường sắt cũng có những đánh giá lại, lắng nghe dư luận để cải thiện cách làm.
"Vết xe đổ" mà VFF sa vào trong việc tổ chức bán vé online những ngày qua cũng chẳng phải là vấn đề mới. Nếu nghĩ rằng bán vé online là cứ mang vé lên website mà bán thì không ổn chút nào. Bài học kinh nghiệm từ thực tế là dù bán theo phương thức nào thì trước hết cũng cần lên kế hoạch, phương án bài bản, cụ thể, lường trước các khả năng và tình huống có thể xảy ra. Tất nhiên cùng với một kế hoạch toàn diện và linh hoạt, cần có một sự minh bạch thông tin xuyên suốt và nhất quán.
Sáng 28/11 sau khi vừa mở bán chưa lâu thì website bán vé online của VFF không thể truy cập, thậm chí còn có thông tin rằng đã hết vé. Thế là dư luận - đặc biệt bức xúc là những người chờ đón mãi vẫn không mua được vé – đã có dịp tuôn ra những nghi ngờ: Nào là mạng bị sập do thiếu chuẩn bị kĩ lưỡng về hạ tầng kĩ thuật, nào là sao 25.000 vé chỉ bán trong vài phút đã "hết veo", nào là khả năng tuồn vé ra chợ đen đang rao bán nhan nhản… Suy cho cùng, đó chính là hệ lụy của việc VFF không thông tin một cách minh bạch được công bố theo bài bản, lớp lang; mà ngược lại còn tùy hứng, vì thế mới vô hình chung tạo ra kẽ hở cho các dư luận chưa hiểu rõ vấn đề hay cố tình xuyên tạc.
Như khái niệm "hết vé" ở đây cũng cần được làm rõ và giải thích cụ thể là hết vé của đợt nào, gồm bao nhiêu vé đã bán hết, chứ đâu thể nói chung chung gây hiểu lầm. Sự chung chung đó chính là không minh bạch. Sự chung chung đó có thể dung chứa các mập mờ và cơ hội cho tiêu cực nảy sinh. Mới thấy, việc công bố thông tin một cách bài bản, rõ ràng, minh bạch không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ của bộ phận truyền thông của VFF. VFF phải biến điều này thành phương châm, triết lí hoạt động của tổ chức chứ đừng nghĩ rằng bán vé ra trong khi người hâm mộ đang lên cơn sốt đã là một sự ban ơn và không cần thiết công bố thông tin nữa.
Tôi đọc trên một tờ báo, trích lại lời ông Tổng thư kí VFF Lê Hoài Anh trả lời trong chương trình "Chào buổi sáng" ngày 29/11 mà không khỏi ngỡ ngàng. Ông Lê Hoài Anh nói: "Với bất cứ phương thức nào, chắc chắn cũng có những người không mua được và những người đó luôn luôn thể hiện sự không hài lòng với Ban tổ chức. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều quốc gia xếp hàng để mua vé nhưng tính trật tự, sự hợp tác tốt hơn chúng ta. Vì thế, chúng ta nên hợp tác, đồng hành với Ban tổ chức để việc bán vé ngày càng văn minh hơn".
Ý thứ nhất ông Hoài Anh nói không sai, trong dư luận hẳn có không ít người hiểu và cảm thông, chia sẻ với VFF. Nhưng ý thứ hai, thì không thể nào chấp nhận. Ở cương vị một Tổng thư kí như ông Lê Hoài Anh, sau khi sự cố xảy ra cho dù vì nhiều yếu tố, nguyên nhân khách quan và chủ quan thì cũng thể hiện phần nào sự yếu kém trong quản lí điều hành của VFF từ cách bán vé offline cho đến online. Thế nhưng, lời nhận xét như có ý đổ lỗi về phía người hâm mộ là không hợp tác hay ít hợp tác đồng hành với Ban tổ chức, và so sánh với nhiều quốc gia khác có “sự hợp tác tốt hơn chúng ta”. Không lẽ, những gì đã xảy ra và bị tai tiếng, theo ông Tổng thư kí VFF là do người hâm mộ gây ra, do người hâm mộ thiếu hợp tác đồng hành nên mới nên nỗi như vậy?
Không chỉ bất cập trong tư duy bán vé 0.4 trong thời đại công nghệ 4.0, mà ngay cả thái độ cũng đầy cố chấp, vậy thì cho dù có bán vé online hay siêu online, theo công nghệ 0.4 hay 4.0 thì cũng thế thôi.