Metamask là ví chứa tiền mã hoá đang có số người dùng nhiều nhất trên thế giới hiện nay, trong đó có cả người dùng tại Việt Nam. 

img 4663.jpg
Các hình thức thanh toán xuất hiện trên ví điện tử Metamask.

Tháng 11/2023 vừa qua, trên ví điện tử này bất ngờ xuất hiện phương thức thanh toán thông qua Viettel Pay. Ngay sau đó, đại diện Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, Viettel Money không hợp tác với bất kỳ sàn, đối tác nào để mua tiền mã hoá, kể cả Metamask. Đồng thời, đơn vị này đã tiến hành làm việc và phương thức thanh toán này cũng được Metamask gỡ khỏi hệ thống của mình.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, phương thức thanh toán Viettel Pay đã xuất hiện trở lại trên ví chứa tiền mã hoá này, ngoài ra, còn xuất hiện thêm phương thức thanh quán thông qua ngân hàng nội địa, Mobile Money và VietQR. Đáng chú ý, khi trực tiếp tiến hành mua tiền mã hoá thông qua các hình thức này vào sâu bên trong, PV VietNamNet còn thấy xuất hiện thêm các hình thức thanh toán của MoMo, ZaloPay.

Theo đó, khi khách hàng chọn phương thức thanh toán qua ví MoMo, ZaloPay, ViettelPay hay VietQR sẽ mất 3,5% phí xử lý, trong khi thanh toán qua các ngân hàng trực tuyến như Techcombank, VTB bank, Bidv bank, ACBbank… sẽ mất 2,5% phí.

Thử tiến hành trực tiếp mua tiền mã hoá bằng các phương thức trên, theo ghi nhận, tất cả ở đây đều là phương thức thanh toán thông qua giao dịch cá nhân (P2P), một hình thức khá phổ biến được các dịch vụ kinh doanh phi pháp sử dụng trong thời gian dài vừa qua tại thị trường Việt Nam.

img 4664.jpg
Thanh toán mua tiền mã hoá bằng ví điện tử, ngân hàng trực tuyến trên Metamask.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện ZaloPay cho biết, đơn vị này không có đối tác, không có bất kỳ hợp tác nào với ứng dụng Metamask hay bất kỳ ứng dụng tiền mã hoá nào khác. Việc lợi dụng các kênh thanh toán để mua bán tiền ảo là vi phạm pháp luật. Hiện nay, Công ty vẫn đang thường xuyên rà soát giao dịch, nếu phát hiện người dùng lợi dụng ZaloPay cho các hoạt động mua bán tiền ảo sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Trong khi đó, đại diện truyền thông MoMo cũng cho biết, ví điện tử này không có bất kỳ hợp tác nào với Metamask, bao gồm cả các dịch vụ thanh toán.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, việc dùng các ví điện tử hay tài khoản ngân hàng hiện nay để mua tiền mã hoá pháp luật không cấm. Tuy nhiên, nếu dùng tiền mã hoá để giao dịch thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, các hình thức giao dịch cá nhân như trên mang đến rất nhiều rủi ro cho người dùng, bởi rất dễ bị lừa đảo, đặc biệt là các đầu tư liên quan đến tiền mã hoá, sàn giao dịch ngoại hối (forex), đơn vị kinh doanh các hình thức này đa số là của nước ngoài.

Với việc sử dụng các hình thức giao dịch cá nhân với nhau, khi có sự vụ xảy ra, cơ quan chức năng cũng rất khó để tiến hành điều tra và xử lý, bởi dòng tiền được luân chuyển liên tục giữa các tài khoản. Đây cũng chính là lý do mà các vụ lừa đảo trực tuyến xảy ra trong thời gian qua, khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra dòng tiền là rất khó khăn và đa phần người bị hại không thể lấy lại được tiền.