Nhiều phụ nữ thường cảm thấy ngán ngẩm hoặc rất dễ quên việc phải uống thuốc tránh thai hàng ngày. Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại vi mạch điện tử (chip) cấy ghép dưới da, có tác dụng giúp phái yếu ngừa thai tới tận 16 năm.


{keywords}
Ưu điểm của chip ngừa thai mới là có thể điều khiển từ xa và có tuổi thọ tới 16 năm. Ảnh minh họa: Word Press

Loại chip ngừa thai mới có kích cỡ tương đương 1 con tem bưu chính. Khi được cấy ghép dưới da của người phụ nữ, nó sẽ "nhả" ra một lượng chất tránh thai nhất định hàng ngày, giúp chủ nhân yên tâm làm "chuyện ấy" mà không phải "lãnh hậu quả" ngoài mong muốn.

Trong khi các dụng cụ ngừa thai cấy ghép hiện có trên thị trường chỉ có tuổi thọ tối đa 5 năm, thì một con chip ngừa thai mới có thể phát huy tác dụng tới 16 năm - gần một nửa số thời gian có khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Một ưu điểm nữa của chip ngừa thai là nó được phát triển kèm một chiếc điều khiển từ xa. Điều này đồng nghĩa, người phụ nữ đơn giản có thể tắt thiết bị nếu muốn sinh con bất kỳ lúc nào. Và khi lại muốn ngừa thai, cô có thể kích hoạt chip một cách dễ dàng.

Ngược lại, các dụng cụ ngừa thai cấy ghép hiện có không thể tạm dừng hoạt động. Thay vào đó, nếu người đang sử dụng muốn có con, họ phải lấy chúng ra khỏi cơ thể mình - một quá trình có thể gây đau đớn và đòi hỏi phải được thực hiện ở trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

Theo nhóm sáng chế, chip ngừa thai có thể ra mắt thị trường vào năm 2018. Sản phẩm gồm một hộp chứa chip, một cục pin và các linh kiện điện tử phục vụ việc nhả thuốc và kết nối không dây tới chiếc điều khiển từ xa. Trong đó, chip cấu tạo gồm một loạt giếng tí hon, mỗi giếng chứa đầy một liều hoóc môn levonorgestrel ngừa thai hàng ngày. Mỗi giếng tí hon này được che phủ bằng một miếng titanium và platinum siêu mỏng để ngăn thuốc tự động trào ra bên ngoài.

Cơ chế hoạt động của chip ngừa thai như sau: vào thời gian nhả thuốc được lập trình từ trước, một dòng điện nhỏ sẽ làm tan chảy lớp phủ kim loại ở một giếng trong chip, giải phóng hoóc môn levonorgestrel vào máu. Điều khiển từ xa có thể được dùng để lập trình lại hoạt động của chip khi cần.

Người đồng phát minh ra chip ngừa thai mới là Robert Langer, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới từng "nuôi" được một chiếc tai trên lưng của một con chuột. Chip do ông Langer cùng cộng sự sáng chế có thể được điều chỉnh để phân phối các loại thuốc khác và hiện đã được thử nghiệm ở các bệnh nhân bị chứng loãng xương.

Trong các thử nghiệm ở phụ nữ lớn tuổi, chip chứa teriparatide cũng hiệu quả như việc tiêm loại thuốc tái tạo xương này thường xuyên. Quan trọng hơn, nhiều người thử nghiệm nói, thiết bị tạo ra sự thoải mái tới mức họ thường xuyên quên mất sự hiện diện của nó ở đó.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)