Tại hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhận định trong 10 năm trở lại đây, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ.

Theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần. Số lượng công bố này đã đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công bố quốc tế trong những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực cũng nổi lên một số vấn đề, trong đó có các tranh luận liên quan đến liêm chính trong nghiên cứu khoa học.

4f7e19e3 8ada 4767 9f1b c9ba5e5dbd47.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tại ĐH Bách khoa Hà Nội, việc vi phạm liêm chính không chỉ đặt ra ở Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Đại diện nhóm nghiên cứu - PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết một số nghiên cứu của thế giới cho thấy 1/16 tác giả tự đạo văn (sao chép cụm từ và câu dài); 1/1.000 tác giả đạo văn (sao chép giá trị 1 đoạn văn từ bài báo của người khác mà không trích).

“Dù là các nước phát triển hay đang phát triển, nước công bố ít hay công bố nhiều đều có tỉ lệ phần trăm nhất định về đạo văn”, PGS.TS Trương Việt Anh nói. Theo ông Việt Anh, hành vi vi phạm liêm chính khoa học phổ biến nhất hiện nay là đưa tên những người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả hoặc đồng tác giả công trình.

Tiếp theo là các hành vi đạo văn, tự đạo văn; làm thuê, làm hộ các công trình khoa học; sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm nghiên cứu; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan kết quả nghiên cứu.

Nguyên nhân vi phạm chủ yếu có thể do áp lực về số lượng công bố cá nhân. “Điều này là vì các trường hiện tại cũng đặt ra KPI về công bố quốc tế”, ông Việt Anh nhận định.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể vì việc thúc đẩy công bố sẽ tạo cơ hội thăng tiến cá nhân, do cam kết khi nhận các nguồn tài trợ hoặc áp lực từ nhu cầu kinh tế của cá nhân.

20231219 cbo 2339.jpg
PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ ĐH Bách khoa Hà Nội

Do đó, PGS.TS Trương Việt Anh đề xuất các trường đại học cần phải có quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ về liêm chính học thuật. Chẳng hạn các trường nên có quy định về liêm chính học thuật, trong đó nêu rõ về ngưỡng % trùng lặp cụ thể sẽ bị xem là đạo văn. Tuy nhiên, ngưỡng này cũng cần căn cứ theo đặc thù của từng lĩnh vực.

“Lĩnh vực xã hội có thể khác với lĩnh vực khoa học kỹ thuật vì đôi khi, sự trích dẫn trong lĩnh vực này đòi hỏi sự chính xác, vì thế có thể cần trích cả một đoạn dài, lượng trùng lặp có thể cũng sẽ khác”.

Ngoài ra, ông Việt Anh cho rằng cần thống nhất, sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn để đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo. “Chẳng hạn, tại ĐH Bách khoa Hà Nội đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt. Đối với những vi phạm về liêm chính học thuật cũng cần phải có các chế tài xử lý”, ông Việt Anh nói.

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng những phản ánh về vấn đề liêm chính khoa học trong những năm qua cho thấy đã đến lúc cần cơ quan nhà nước cần phải quan tâm, lắng nghe ý kiến, từ đó hoạch định chính sách phù hợp.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, liêm chính tuy là khái niệm “mở” nhưng vẫn cần phải có sự hướng dẫn chung để các trường có quan điểm thống nhất, thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính ngay tại cơ sở đào tạo, từ đó tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học lành mạnh.