Để làm rõ luận điểm “biển là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội”, “kinh tế biển chính động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế”, Tiến sĩ Quan Quốc Đăng, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn một loạt số liệu cụ thể.
Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.
Biển Đông nằm trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á và Trung Đông – châu Á. Tuyến hàng hải qua Biển Đông là một trong những tuyến giao thương hàng hải quốc tế sầm uất nhất trên thế giới. Sự phát triển của nhiều nền kinh tế ở Đông Á đều gắn liền với tuyến đường biển này. Trong khi đó, bờ biển Việt Nam có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển.
Việt Nam có ngư trường đánh bắt truyền thống rộng lớn trong khu vực, với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Hơn thế nữa, các vùng biển và hải đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác. Biển Việt Nam được coi là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới.
Theo Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trữ lượng nguồn lợi hải sản bình quân hàng năm ước tính vào khoảng 4,364 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi tại các vùng biển sâu, gò nổi và thềm lục địa. Nguồn lợi thủy sản ven bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Ngư trường khai thác thủy sản được phân làm 5 vùng chính bao gồm: Vịnh Bắc bộ chiếm 17,3% nguồn lợi thủy sản, vùng duyên hải miền Trung chiếm 20,0%, vùng Đông Nam bộ chiếm 25,6%, vùng Tây Nam bộ 13,4% và vùng giữa Biển Đông là 23,7%.
Ngoài ra, trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: Nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và đá bán quý, và khoáng sản lỏng.
Các vùng biển và hải đảo Việt Nam còn có nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Dọc bờ biển, có hơn 120 bãi tắm có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế…
“Với vị trí địa lý như trên, có thể nói rằng đời sống kinh tế, văn hóa của người dân gắn liền với biển. Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc. Phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước”, ông Đăng nhấn mạnh.
Được biết, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Văn kiện Đại hội là “phát triển kinh tế biển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và đô thị ven biển, chú ý phát triển kinh tế biển gắn với an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế gắn với môi trường và phòng, chống thiên tai; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và đô thị ven biển”.