Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến ở nước ta tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Bộ Công an cũng chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhằm vào một số nhóm đối tượng, trong đó có học sinh, sinh viên…

Ngoài nguy cơ bị lừa đảo, nhiều học sinh còn vướng vào vòng lao lý vì những hành vi thiếu hiểu biết trên mạng xã hội. Một số trường hợp chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trên mạng nhưng dẫn đến cãi vã, đe dọa, thậm chí sử dụng hung khí đánh nhau ngoài đời thực, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Bên cạnh các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, theo đại diện nhiều trường học trên địa bàn TPHCM, gần đây, học sinh còn có trào lưu bình phẩm về đời tư của thầy, cô giáo trên mạng xã hội. Điển hình là Fanpage một trường THPT ở quận Tân Bình xảy ra tranh cãi giữa học sinh các lớp sau dòng trạng thái đánh giá về một thầy giáo ở tổ bộ môn Toán. Tại nhiều trường khác, học sinh còn hưởng ứng trào lưu “flex” (khoe khoang) giáo viên chủ nhiệm bằng lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo. 

Đây là một trong nhiều hệ quả tiêu cực của việc học sinh sử dụng mạng xã hội không kiểm soát, gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học.

học sinh.jpg
Mạng xã hội ngày càng phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu đối với giới trẻ. Ảnh minh hoạ.

Để cải thiện tình trạng này, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm xây dựng văn hoá ứng xử cho học sinh trên không gian mạng.

Ví dụ, Trường THPT Pleiku (TP Pleiku) đã tổ chức hoạt động trải nghiệm cho hơn 1.400 học sinh với chủ đề “Kết bạn qua mạng xã hội - những lợi ích và nguy cơ”. Hoạt động gồm 3 phần: tuyên truyền về lợi ích và nguy cơ kết bạn qua mạng xã hội; học sinh thuyết trình, nêu quan điểm về việc sử dụng, kết bạn qua mạng xã hội và tham gia giải quyết các tình huống liên quan. 

Buổi ngoại khóa góp phần giáo dục lối sống văn hóa trên môi trường mạng, ngăn chặn bạo lực học đường, định hướng xây dựng tình bạn đẹp cho học sinh và xây dựng văn hóa học đường lành mạnh. Đồng thời, giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin trên không gian mạng; từ đó chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin xấu, độc và tiếp nhận thông tin tích cực.

Trường THPT Số 1 Đức Phổ (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) lại cho ra mắt mô hình điểm “Quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng xã hội”. Mô hình đề ra 4 quy tắc ứng xử chung trên không gian gồm: 

- Quy tắc Tôn trọng: Tuân thủ pháp luật, trọng tâm là Luật An ninh mạng và các văn bản có liên quan; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn bảo vệ an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

- Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Tại Lào Cai, các trường cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng cho học sinh bao gồm các quy tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trên mạng; tổ chức các buổi ngoại khóa về an toàn thông tin trên mạng cho học sinh với các nội dung về nguy cơ tiềm ẩn trên mạng, cách phòng tránh và cách sử dụng Internet an toàn. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục còn mời cán bộ của Sở TT&TT phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng cho học sinh các cấp.

Như vậy, các hoạt động nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của học sinh trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Ngọc Trang và nhóm PV, BTV