dai dich tin gia Covid-19 anh 1

Trên khắp thế giới, việc đưa tin của báo chí các nước trong thời đại dịch luôn bao gồm một phần việc: kiểm chứng và bác bỏ các tin giả, thông tin sai lệch.

Trong đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta gây ra, giới chức Singapore từng phải bác bỏ thông tin sai lệch về cách điều trị Covid-19, sau khi một đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế nước này đã lan truyền phương pháp chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh và thuốc chống đông máu.

Ở Ấn Độ, nhà khoa học Sumaiya Shaikh từng mô tả nhiều người dân nước này đã ra ngoài nhảy múa để virus bị tiêu diệt. Họ không hiểu về khái niệm giãn cách xã hội, mà chỉ tin vào những gì đọc được trên mạng.

Tại Indonesia, thông tin sai lệch trở thành rào cản lớn khiến nước này khó kiểm soát dịch. Nhiều người coi đại dịch như “cảm cúm thông thường”, họ tin theo thông tin thất thiệt về tác dụng phụ vaccine để rồi bỏ qua cơ hội tiêm chủng.

Vấn nạn tin giả đang là chuyện đau đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021, tổng đài hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Jonathon McPhetres thuộc Đại học Durham, Anh nhận định đây là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì những thông tin, hình ảnh giả lan truyền trên mạng Internet trở thành một thứ “biến chủng” vô cùng nguy hiểm.

“Nhiều người có thể đã tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch để thúc đẩy các mục tiêu chính trị. Nhưng nhiều người khác chỉ đơn giản là nhầm lẫn và lan truyền thông tin gây hiểu nhầm”, tiến sĩ McPhetres nhận định.

Tin theo “linh cảm”

Theo thống kê của WeAreSocial và Hootsuite, Việt Nam hiện có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73% dân số. Điều này đồng nghĩa 73% dân số Việt Nam đồng thời cũng là những công dân Internet (netizen): họ sống, mua bán, giao tiếp và tiếp nhận thông tin trên Internet. Thời gian sử dụng Internet rất có thể còn cao lên khi người dân nhiều tỉnh, thành ở nhà để thực hiện các chính sách giãn cách xã hội. Tất cả các yếu tố này cho thấy sự tác động của thế giới ảo đến đời sống xã hội thực là rất lớn.

“Các mạng xã hội còn ‘trao quyền’ lan truyền tin tức vào tay người bình thường, những người mà không phải lúc nào cũng được trang bị đủ kỹ năng để đánh giá đúng/sai”, ông nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Jonathon McPhetres, trong bối cảnh dịch bệnh, tin giả về Covid-19 trải rộng từ nguồn gốc của đại dịch - chẳng hạn virus corona là do con người tạo ra - đến tin giả “núp bóng” các bài thuốc, phương pháp phòng tránh Covid-19 như ăn tỏi, sử dụng dầu dừa, các vấn đề liên quan đến khẩu trang,...

“Nội dung tin giả, tin sai sự thật hay dễ gây hiểu nhầm đều có thể liên quan tới mọi khía cạnh của Covid-19 với nhiều hình thức khác nhau”, ông nói, song lưu ý có thể phân ra tin giả, tin sai sự thật thành hai loại là có chủ ý và vô ý. Chủ ý là khi tin tức giả được tạo ra với các mục đích khác nhau, còn vô ý là khi tin tức gây hiểu nhầm được chia sẻ không cẩn trọng, tạo ra thông điệp sai lệch đến người nhận tin.

dai dich tin gia Covid-19 anh 2

Đại dịch xuất hiện cũng là lúc tin giả xoay quanh chủ đề này tràn lan trên mạng. Ảnh: Reuters.

Ông cho biết thêm trong hầu hết trường hợp, công chúng tin vào thông tin sai lệch bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là không kiểm tra nguồn tin khi tiếp nhận. Thứ hai là không có thói quen tìm kiếm sự chứng thực từ nguồn độc lập khác. Cuối cùng, độc giả không xem xét tính hợp lý của tin tức ngay cả khi nó chứa thông điệp gây tranh cãi.

“Chúng tôi gọi đây là 'tư duy theo trực giác', đó là khi mọi người dựa vào 'linh cảm' thay vì dành thời gian để xem xét thông tin một cách cẩn thận và nghiêm túc”, ông Jonathon McPhetres nói.

Tự xây “rào chắn”

Nói về tác hại của virus tin giả, tiến sĩ Jonathon McPhetres nhận định thông tin được lan truyền sai lệch theo bất cứ cách nào cũng đều là vấn đề nghiêm trọng. Trong thời Covid-19, tin giả đang gieo nỗi sợ hãi, hoang mang trong cộng đồng mạng, khiến việc chống dịch trở nên khó khăn.

"Những câu chuyện giật gân sẽ khó để ngưng lại một khi nút chia sẻ được nhấn", ông McPhetres nói. Thậm chí, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus từng cảnh báo tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, và mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém.

“Nếu mọi người có thể tin rằng virus do một quốc gia tạo ra, họ cũng có thể tin rằng virus là một trò lừa bịp”, ông chia sẻ. “Nhiều người tin rằng họ không cần đeo khẩu trang hoặc sẽ gặp nguy hiểm khi tiêm vaccine. Tin giả thậm chí còn khiến một số đặt niềm tin mù quáng vào phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, và tự đe dọa tính mạng”.

dai dich tin gia Covid-19 anh 3

Thông tin sai lệch là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: AFP.

Trong bối cảnh đó, tiến sĩ Jonathon McPhetres nhận định người dân có thể tự bảo vệ chính mình bằng cách suy nghĩ cẩn thận trước khi chia sẻ tin tức trên phương tiện truyền thông xã hội.

“Hãy tự hỏi bản thân: Nguồn tin này có đáng tin cậy không? Nó có uy tín và đã được kiểm duyệt hay chưa? Liệu có thể tìm thấy thông tin này từ nguồn độc lập khác hay không”, ông nói.

Minh bạch thông tin

Bên cạnh trách nhiệm của người dùng mạng xã hội - những người vốn chịu áp lực trước khối lượng thông tin khổng lồ họ phải tiếp nhận trên Internet, đã có rất nhiều người đặt ra câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm về sự lan tràn của tin giả. Những ông lớn công nghệ như Facebook, Twitter, YouTube là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Chính quyền cũng được coi là một thực thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin giả.

Theo tiến sĩ Jonathon McPhetres, xóa bỏ thông tin sai lệch trong thời kỳ nhạy cảm là một vấn đề khó khăn. Mặt khác, thông tin khoa học có thể thay đổi nhanh chóng và quá nhiều thông tin dễ gây nhầm lẫn.

Trong thời đại dịch, người dân thường tìm đến nhà các khoa học để tìm kiếm câu trả lời. Nhưng giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, thông tin được cập nhật hàng giờ, các nhà khoa học và chính phủ cũng thường thay đổi khuyến cáo. Điều này vô tình khiến mọi người ít tin tưởng hơn vào nguồn tin đã nhận.

“Dẫu vậy, mỗi người dân nên lắng nghe ý kiến chuyên gia hơn là cố gắng đưa ra đánh giá về những điều họ không hiểu”, ông McPhetres cho biết.

dai dich tin gia Covid-19 anh 4

Người dân nên lắng nghe ý kiến chuyên gia thay vì cố gắng đưa ra đánh giá chủ quan. Ảnh: South China Morning Post.

Đối với những người có thẩm quyền, tiến sĩ McPhetres cũng đề xuất rằng nhà khoa học và chính phủ có thể giảm bớt tác động của vấn nạn tin giả, tin sai sự thật bằng cách công khai và minh bạch các thông tin họ sử dụng để đưa ra quyết định.

“Quá nhiều thông tin có thể gây nhầm lẫn, nhưng việc che giấu thông tin không bao giờ là tốt”, ông nói.

(Theo Zing)

Mark Zuckerberg thừa nhận Facebook không bao giờ hết tin giả

Mark Zuckerberg thừa nhận Facebook không bao giờ hết tin giả

CEO Facebook cho rằng, quản trị nội dung trên nền tảng cũng như chiến đấu với tội phạm trong thành phố.