Hãy tưởng tượng bạn được trao mọi thứ trên đời ngay từ khi còn trẻ. Khi đó, liệu bạn còn muốn nỗ lực làm việc? Của cải cướp đi động lực của những đứa trẻ. Theo các chuyên gia tư vấn tài sản, càng được cho nhiều tiền từ nhỏ, con người càng ít đam mê và động lực hơn.

Tờ Forbes dẫn lời bà Lucy Birtwistle - giám đốc quan hệ khách hàng của hãng Stonehage Fleming - cho biết: “Tôi đã từng làm việc với nhiều thành viên thế hệ thứ hai, thứ ba trong các gia đình giàu có. Một số người nghĩ rằng 'Tại sao tôi phải học đại học? Để làm gì? Sẽ không ai ấn tượng với những việc tôi làm, bởi bố mẹ tôi đã quá thành công rồi'". 

Sướng từ nhỏ sẽ không có áp lực kiếm tiền

Công việc của Birtwistle là gặp gỡ những đứa trẻ này và tìm hiểu mục đích, tầm nhìn của chúng. “Mỗi chúng ta đều cần một mục đích, một lý do để thức dậy mỗi sáng”, bà nhấn mạnh.

Sandy Loder - nhà sáng lập hãng tư vấn AH Loder Advisors - cũng đồng tình với bà Birtwistle. Công ty của ông chuyên giúp đỡ những gia đình doanh nhân giải quyết vấn đề liên quan tới thế hệ kế thừa của họ.

“Phần lớn vấn đề đều xuất phát từ các bậc cha mẹ, chủ yếu là sự thiếu thốn tình thương từ nhỏ. Những đứa trẻ lớn lên có quá nhiều tài sản, quen với chất kích thích và không còn áp lực kiếm việc làm”, ông Loder giải thích.

{keywords}
Nhận thừa kế quá lớn khiến thế hệ tiếp theo của các gia đình giàu có dễ mất đi động lực làm việc. Ảnh: Getty.

Ngày nay, mạng xã hội còn làm vấn đề thêm tồi tệ hơn. Những hình ảnh, nội dung phong phú về cuộc sống giàu sang khiến con người ganh đua với nhau. “Một khách hàng của tôi mỗi phút lại kiểm tra điện thoại một lần. Tôi phải bảo cô ấy ngừng sử dụng mạng xã hội”, Loder kể.

Những vấn đề như thế khiến nhiều gia đình giàu có thay đổi suy nghĩ về vấn đề thừa kế. Tháng trước, tỷ phú người Anh, John Caudwell tuyên bố sẽ quyên góp 70% tài sản vào quỹ từ thiện.

“Nếu số tài sản đó đáng giá vài tỷ, sao không cho đi và chỉ để lại vài trăm triệu cho những đứa trẻ? Con số này vẫn lớn, vẫn đủ để tác động xấu tới chúng đấy chứ”, ông nói trên The Daily Mirror.

"Tôi chấp nhận"

Nhiều tỷ phú khác cũng có suy nghĩ tương tự. Mark Zuckerberg và vợ, Priscilla Chan, đã đồng ý để lại 99% cổ phần Facebook của họ để “phát triển tiềm năng con người và đẩy mạnh công bằng cho mọi đứa trẻ trong tương lai.

Zuckerberg và Chan đều tham gia chiến dịch “Giving Pledge”, nơi những người giàu có cam kết quyên góp hơn nửa tài sản của họ để làm từ thiện.

Alex Shih, con trai tài phiệt bất động sản Hong Kong Wing-Ching Shih, sẽ chỉ được nhận rất ít tài sản thừa kế, bởi cha anh đã quyết định dùng toàn bộ 45% cổ phần ông có trong công ty làm từ thiện.

“Tôi hoàn toàn chấp nhận”, Alex Shih nói với Bloomberg. “Ông ấy đã nói về quyết định này từ khi chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi không có lựa chọn khác. Ông bảo sẽ tốt hơn khi không có một cuộc sống thoải mái quá dễ dàng. Chúng ta sẽ trân quý hơn nếu nỗ lực từng bước để thành công”.

{keywords}
Alex Shih, con trai ông trùm bất động sản Hong Kong Wing-Ching Shih. Ảnh: Bloomberg. 

Và không chỉ các tỷ phú có xu hướng làm từ thiện thay vì để lại tài sản cho con cái. “Tôi biết nhiều trường hợp bố mẹ chỉ để lại cho con cái một phần nhỏ đủ để sống”, James Fleming, CEO một công ty gia đình tại London, cho biết.

Một khảo sát được thực hiện bởi một công ty quản lý tài sản ở Anh đầu năm nay cho thấy, cứ 5 triệu phú Anh trên 45 tuổi thì có một người không có ý định để lại tài sản cho con. Gần một nửa trong số 1.000 người được hỏi cho biết họ sẽ tiêu số tiền của minh trước khi qua đời, còn 9% sẽ làm từ thiện.

Đây là phương pháp mạnh tay của các bậc cha mẹ giàu có. Theo chuyên gia Loder, đây là cách để các tỷ phú rèn rũa con cái, những người chưa bao giờ phải sống trong cảnh khó khăn. Họ muốn chỉ rõ những hậu quả nghiêm trọng của lối sống buông thả để con cái mình hiểu và thay đổi.

(Theo Zing)