- Bà ngoại tôi có năm người con gái, mẹ tôi là con thứ ba. Sau khi bố tôi mất thì mẹ và tôi chuyển về sống cùng bà ngoại và bác thứ hai không lấy chồng. Do bác tôi không có con nên coi tôi như con đẻ và chăm sóc đến khi tôi lấy vợ. Bà tôi mất để lại ngôi nhà cho bác thứ hai, các bác và cô còn lại không tranh chấp gì. Nay bác tôi sức khỏe yếu nên muốn để lại cho tôi một nửa ngôi nhà, và một nửa cho người chị họ con bác cả. Xin hỏi luật sư bác tôi chia nhà như vậy có hợp lý không? Có được pháp luật công nhận không? Nếu sau khi chia xong mới xảy ra tranh chấp thì có phải chia lại không? Cảm ơn luật sư.

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Bác muốn cho tôi nửa căn nhà của bà ngoại thì có hợp pháp (Ảnh minh họa)

Bạn không nêu rõ mảnh đất ai đang đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nên chúng tôi nêu ra trường hợp sau để bạn tham khảo.

Thứ nhất: Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bác thứ 2 của bạn đứng tên thì bác bạn có thể lập di chúc hoặc hợp đồng tặng cho tài sản cho bạn và chị họ của bạn.

- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều 648 của Bộ Luật Dân sự 2005 có quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

“1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Theo quy định trên việc lập di chúc định đoạt tài sản do mình để lại cho bất kỳ ai là quyền của người lập di chúc, điều này được pháp luật tôn trọng. Bác bạn có thể để lại di sản thừa kế cho bạn, chị họ bạn và lập di chúc để phân chia di sản thừa kế do mình để lại sau khi qua đời. 

Thứ hai: Hợp đồng tặng cho tài sản.

Làm hợp đồng tặng cho tài sản : hợp đồng này có thể có điều kiện (Điều 470 BLDS 2005) hoặc không có điều kiện tùy vào thỏa thuận của hai bên là bác thứ 2 của bạn với bạn và chị bạn. Hợp đồng cần công chứng theo quy định Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 tại Phòng Công chứng.Hồ sơ bao gồm:

+ Phiếu yêu cầu công chứng

+ Bản sao CMND và HKTT của người tặng và người được tặng.

Thứ ba: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do bà bạn đứng tên, bà mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế của bà bạn được chia theo pháp luật về thừa kế.

Mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bà bạn thì bà bạn có toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất này theo quy định tại khoản 1, điều 167 Luật đất đai 2013.Bà bạn mất không để lại di chúc nên di sản thừa kế của bà bạn sẽ được chia theo pháp luật.

"Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này".

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự bao gồm:

 "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. 

Đối chiếu với quy định nêu trên và với thông tin bạn cung cấp thì tại thời điểm mở thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất của bà bạn bao gồm: 5 người con của bà bạn.

Căn nhà sẽ được chia đều cho 5 người gồm 2 bác, mẹ bạn, 2 cô của bạn. Trong trường hợp này, các đồng thừa kế di sản của bà bạn sẽ có quyền quyết định việc chuyển nhượng di sản thừa kế này cho bạn và chị họ. 

Các cô, bác và mẹ bạn lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản này, 5 chị em mẹ bạn có thể tặng cho phần quyền hưởng di sản của mình cho bạn và chị họ bạn.

Theo Điều 57 Luật Công chứng và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật công chứng, thủ tục lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định như sau: Các đồng thừa kế nộp bộ hồ sơ bao gồm: Phiếu yêu cầu công chứng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng tử của bà bạn; giấy tờ tùy thân của những người thừa kế; các giấy tờ khác chứng minh quan hệ thừa kế (giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, giấy kết hôn...).

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại UBND xã nơi có các di sản thừa kế (do bố bạn để lại di sản thừa kế ở nhiều địa phương) trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo, cơ quan công chứng chứng nhận văn bản phân chia di sản thừa kế của mẹ con bạn.

Sau khi có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này, bạn và chị họ tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc