Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết số 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian qua, có khoảng 20 nghị quyết ban hành, trong đó có một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến một số khía cạnh riêng rẽ của CNH, HĐH. Tuy nhiên, đến trước khi ban hành Nghị quyết 29, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề này.
Tư duy mới, giải pháp mới
Chúng ta đã có một quá trình dài thực hiện CNH, HĐH đất nước nhưng vì sao đến nay mới có một Nghị quyết riêng về vấn đề này, thưa ông?
Thực tiễn CNH, HĐH đất nước thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Vì vậy, cần có chủ trương mới của Đảng để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần.
Chúng ta đang thật sự đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt năng suất lao động chậm được cải thiện, khả năng năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa thực sự được đảm bảo. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững...
Đại hội XIII khẳng định: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Chúng ta cũng biết rõ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới, hiện đại và thay đổi nhanh chóng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới và có tác động rất phức tạp.
Từ đó, đặt ra yêu cầu cần phải ban hành một nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Vậy theo ông Nghị quyết số 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?
Việc ban hành Nghị quyết số 29 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. CNH, HĐH luôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thực tế trên thế giới cho thấy đa số các nước muốn trở thành một nước công nghiệp, nước phát triển và để đạt được mức thu nhập cao đều tiến hành quá trình CNH, HĐH. Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, muốn thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra, chúng ta tất yếu vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH.
Nghị quyết được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, hướng tới những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.
Chuyển đổi số là phương thức mới để đi tắt đón đầu
Ông có thể nói rõ hơn quan điểm của Đảng ta về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được thể hiện trong Nghị quyết 29?
Nghị quyết lần này đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng cụ thể hoá những nội dung trọng tâm làm cơ sở để định hướng đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Trong đó tập trung vào một số nội dung cốt lõi như làm rõ nội hàm, nhận thức về CNH, HĐH là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Nghị quyết thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNH, HĐH với sự phát triển kinh tế - xã hội, coi đây “là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng coi việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện, chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn trong quá trình CNH, HĐH đất nước.
Đó là “bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.
Quan điểm thứ ba, xác định nội dung và yêu cầu then chốt “phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu.
Chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp.
Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.
Đảng cũng nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước phải có trọng tâm, trọng điểm và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện để phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng.
Nghị quyết lần này cũng bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ thể và nguồn lực thực hiện CNH, HĐH. Cụ thể, “lấy nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là chủ đạo; doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện CNH, HĐH đất nước, "phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam".
Vậy theo ông, đâu là nội dung khác biệt, có tính đột phá thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới?
Việc đầu tiên xác định trong Nghị quyết 29 lần này là các nội hàm quan trọng của CNH, HĐH. Khi đã rõ được nội hàm, chúng ta sẽ thấy rất rõ sự khác biệt trong bối cảnh của giai đoạn trước với bối cảnh, thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Đây là quá trình vô cùng quan trọng, bây giờ không chỉ thuần túy phát triển công nghiệp mà đó là một quá trình chuyển đổi căn bản về mặt sản xuất cũng như về mô hình tổ chức sản xuất của nền kinh tế.
Điều quan trọng nữa là việc thực hiện CNH, HĐH dựa trên nền tảng của KHCN và đổi mới sáng tạo. Có thể nói, nội dung này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu mới, thực tiễn mới đặt ra cho chúng ta.
Từ đó, cho phép chúng ta vừa khai thác tốt những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện CNH, HĐH thời gian qua, đồng thời cũng khai thác được những lợi thế của nền kinh tế đi sau, nền kinh tế của một quốc gia đang có lực lượng dân số vàng…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng khẳng định những yêu cầu rất quan trọng để khơi dậy khát vọng cũng như ý chí của cả dân tộc, đặc biệt là vai trò xung kích đi đầu của đội ngũ doanh nghiệp, đội ngũ công nhân hiện đại, của lực lượng trí thức để mang lại những đột biến và sự phát triển bền vững cho đất nước.
Điểm khác biệt nữa là Nghị quyết 29 nhấn mạnh đến yêu cầu, nội dung của sự thay đổi mang tính đột biến về các giá trị tăng thêm mà chúng ta có khả năng tham gia sâu rộng trong chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta coi chuyển đổi số là phương thức mới để đi tắt đón đầu, đẩy nhanh tiến độ, là một nền tảng rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Vũ Thị Lụa, Huỳnh Tuấn Kiệt, Phạm Duy Linh