Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty May An Tuấn cho hay, trong tổng số người lao động hiện nay trong công ty là 122 người, trong đó 1/3 là người khuyết tật. Công việc của người khuyết tật trong công ty là may gia công và ngồi đóng gói sản phẩm. Mức lương trả cho họ từ 4,5-5,5 triệu đồng/tháng, có đóng bảo hiểm xã hội. Nhiều năm qua, công ty được Sở LĐTB&XH thành phố Hải Phòng và UBND huyện Vĩnh Bảo trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất và hỗ trợ người khuyết tật. Bản thân ông Tuấn cũng là một người khuyết tật, bị mất một chân.

“Công ty của tôi nhận người khuyết tật vào làm cũng là một cách để giúp họ có cuộc sống ổn định, sống bằng sức lao động của mình, không phải phụ thuộc ai, cũng là chung tay cùng địa phương san sẻ khó khăn với người yếu thế”, ông Tuấn chia sẻ.

{keywords}
Việc làm là cách bền vững nhất giúp người khuyết tật có thể vươn lên thoát nghèo

Từ thực tế này cho thấy, việc làm là cách bền vững nhất giúp cho người khuyết tật có thể vươn lên thoát nghèo. Để cho họ có việc làm liên quan đến vấn đề vốn, nghề nghiệp rồi cả tiêu thụ sản phẩm, làm ra không bán được cũng không giải quyết được vấn đề.

Để tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật, theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo trợ trẻ mồ côi Việt Nam, trước hết cần sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay vốn đối với người khuyết tật cho phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, chọn nghề, chọn nghiệp, chọn sản phẩm cũng phải quan tâm chứ không phải cứ đưa vốn xong là xong. Tư vấn, giới thiệu phải có những chương trình dành riêng cho người khuyết tật.

“Khi mà họ đã làm ra sản phẩm tốt thì cũng nên có chương trình kết nối, ví dụ như các cơ sở lớn thì có thể sản xuất, tiêu thụ phẩm, coi những cơ sở của người khuyết tật như là cơ sở vệ tinh để giao sản phẩm cho họ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng kinh doanh dịch vụ tạo diều kiện cho người khuyết tật”, ông Nguyễn Trọng Đàm nói.

Thanh Hùng