Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản) đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.
Áp lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế Trung ương, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 27/6, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng cũng như cả năm 2017 đã dần hiển thị rõ nét hơn.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: GDP quý I đạt mức thấp là 5,1% đã đặt ra nhiệm vụ nặng nề, khó khăn cho những tháng cuối năm. Con số sơ bộ cho thấy, GDP quý II khả năng đạt 5,5-5,7%.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng cũng như cả năm 2017 đã dần hiển thị rõ nét hơn. |
Bình luận về con số này, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright cho rằng: Nếu GDP quý II chỉ đạt 5,7% thì năm 2017 GDP sẽ đạt khoảng 6,4-6,5%. Như vậy khả năng tăng trưởng 6,7% là rất khó khăn.
Trong bài nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Xuân Thành đã thẳng thắn nhận định: Với kết quả 5,1% trong quý I này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%. Từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng này là một thách thức lớn.
Chuyên gia này lo ngại: Đúng là trong điều hành kinh tế, có một số chỉ số vĩ mô bị ràng buộc bởi GDP, như tỉ lệ thâm hụt ngân sách (bội chi) và nợ công. Trong các chỉ số đó, GDP theo giá danh nghĩa được dùng làm mẫu số, nếu không đạt được mục tiêu trong một năm, trần nợ công 65% hay tỷ lệ bội chi 3,5% sẽ không thể duy trì được.
Kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nên nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.
“Về dài hạn, mắc bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu là có thực. Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra nếu tăng trưởng bình quân đạt dưới 6% thì Việt Nam 20 năm nữa vẫn thua nhiều nền kinh tế châu Á ngày hôm nay”, ông Nguyễn Xuân Thành dự báo.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I hơi thấp nhưng tôi nghĩ sự giảm dần này là do nhiều vấn đề đặc biệt liên quan đến suy giảm của lĩnh vực khai khoáng.
Chính phủ vẫn quyết tâm kinh định mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%. |
Vị này dự báo GDP năm 2017 của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 6,3%.
Vươn lên mục tiêu GDP 6,7%
ÔIg Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Quyết tâm tăng trưởng GDP đạt 6,7% là chính đáng giống như chúng ta đều muốn hạnh phúc, ăn ít mặc sang vậy”, ông Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng điểm mặt các rủi ro chính nếu tập trung cho các giải pháp ngắn hạn để đạt tăng trưởng.
Chẳng hạn, nếu khai thác thêm dầu, than và xuất khẩu khoáng sản tồn kho thì tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ khi giá thế giới biến động bất lợi. Mặt khác điều đó thể hiện tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, nguồn lực không tái tạo được với giá trị gia tăng thấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Còn nếu đẩy mạnh giải ngân đầu công mà không đi kèm giám sát chất lượng sẽ hiệu quả thấp, nợ công tăng. Điều này cũng thể hiện tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn. Trong khi ấy, nếu kích tăng trưởng nông nghiệp lại đối mặt rủi ro đầu ra, rồi lại xảy ra giải cứu lợn, dưa hấu và nhiều mặt hàng nông sản khác như từng xảy ra.
“Tôi khẳng định khi bình luận rủi ro này không có nghĩa bàn lùi, quyết tâm đưa ra thì phải làm, nhưng nhận diện rủi ro để quản trị nó”, ông Sơn giãi bày.
Dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa. Ảnh: L.Bằng |
Ngoài ra, chuyên gia này khuyến nghị trong tương lai là nên đổi mới tư duy để xác định chỉ tiêu tăng trưởng. Nên đưa ra các kịch bản tăng trưởng như thấp, cao và tối ưu. Ví dụ 2017 đưa ra 3 kịch bản, trên 6%, 6,4% và 6,7%. Chính phủ phấn đấu đạt kịch bản tốt nhất nhưng không phải bằng mọi giá. Tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào nhân tố mang tính dài hạn chứ không phải kích thích mang tính ngắn hạn.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay. Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.
Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế.
“Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Lương Bằng