Ngày 26/11 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình Hợp tác phòng, chống kháng kháng sinh tại Việt Nam 2021 – 2023 giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Công ty GlaxoSmithKline Pte Ltd (GSK) tại Việt Nam.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thế giới Nhận thức về Kháng sinh.

Đây là hợp tác y tế có ý nghĩa đồng hành với chiến lược dài hạn và Kế hoạch hành động quốc gia về Kháng kháng sinh của Việt Nam, đồng thời cùng với những sáng kiến của Chính phủ Anh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

{keywords}
 Lễ ký kết nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Thế giới Nhận thức về Kháng sinh

Tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất châu Á

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Ước tính đến năm 2050, số người tử vong vì kháng kháng sinh có thể lên đến 10 triệu người.

Tại Việt Nam thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng, với tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc hàng cao nhất châu Á, gây ra hàng ngàn ca tử vong mỗi năm.

Đáng chú ý là tỷ lệ nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng tại các nước châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng cao. Đây là nguyên nhân không chỉ gây ra bệnh tật và tử vong, mà còn kéo theo những gánh nặng về điều trị và tổn thất kinh tế.

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Kháng kháng sinh giai đoạn 2013-2020 và xây dựng chiến lược cho 5 năm tiếp theo là một trong những trọng tâm quan trọng của ngành Y tế.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhìn nhận: “Với sự đồng hành của Chính phủ Anh và các công ty trong lĩnh vực y tế của Anh như GSK, cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh tại Việt Nam sẽ được tiếp cận toàn diện hơn, các chương trình đào tạo y khoa liên tục dành cho cán bộ y tế và hỗ trợ nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng cũng được lên kế hoạch triển khai hiệu quả nhằm đẩy lùi gánh nặng y tế này.”

Cũng theo ông Lương Ngọc Khuê, kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý. Chẳng hạn: sử dụng kháng sinh cho các nguyên nhân gây ra do virus như cảm lạnh, cúm, hoặc dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, hoặc sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn chưa hợp lý…

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả cũng có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.

Ông Gareth Ward, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Anh cam kết đồng hành cùng Việt Nam để giải quyết các vấn đề y tế như kháng kháng sinh thông qua triển khai các chương trình hợp tác với các đối tác chiến lược.

“Kháng kháng sinh đang trở thành cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và chúng ta cần tăng cường nỗ lực tập thể để giải quyết thách thức này nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho thế hệ tương lai”, ông Gareth Ward nhận định.

Thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác, Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Anh và GSK cam kết triển khai các hoạt động hợp tác để đạt được mục tiêu chung nhằm góp phần đẩy lùi kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Theo đó, các lĩnh vực hợp tác bao gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế (Bác sĩ/ Dược sĩ) về kháng kháng sinh và Kê đơn kháng sinh hợp lý trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng;

Thứ 2, cung cấp giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị & tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc kháng sinh và vắc-xin chất lượng quốc tế;

Thứ 3, tăng cường nhận thức về gánh nặng và hậu quả của kháng kháng sinh, nâng cao hiểu biết về việc sử dụng kháng sinh hợp lý trong cộng đồng để phòng tránh những diễn tiến phức tạp trong tương lai.

Ngọc Châu