“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Hôm 1/11, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, Đảng và Nhà nước sẽ nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách nhà nước; có chính sách tăng số lượng người khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại;

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác. Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật.

Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật được thông qua vào năm 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật (2012) với mục tiêu đào tạo nghề và tạo việc làm cho 250.000 lao động khuyết tật, cũng như đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014.

{keywords}
Việt Nam dành ưu tiên cao cho các hoạt động nâng cao nhận thức hướng tới các cơ quan chính phủ, người khuyết tật và thành viên gia đình người khuyết tật.

Chia sẻ về những thành tựu của Việt Nam liên quan tới người khuyết tật, tại Hội nghị lần thứ 12 các bên tham gia Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD) tại New York với chủ đề "Bảo đảm sự tham gia của người khuyết tật thông qua triển khai đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật", chia sẻ về các nỗ lực và kinh nghiệm của Việt Nam, ông Đinh Nho Hưng, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc thông báo Việt Nam vừa thực hiện thành công lần đầu tiên cuộc khảo sát quy mô quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế về khuyết tật. Và khẳng định, những kết quả khảo sát về tình trạng khuyết tật, điều kiện kinh tế xã hội của người khuyết tật sẽ là cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng chính sách, chương trình xóa bỏ các rào cản, tăng cường sự tham gia và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật.

Ông Đinh Nho Hưng cũng thông báo với bạn bè quốc tế  về việc Việt Nam dành ưu tiên cao cho các hoạt động nâng cao nhận thức hướng tới các cơ quan chính phủ, người khuyết tật và thành viên gia đình người khuyết tật, cũng như công chúng nói chung, thông qua các khóa đào tạo, hội thảo, chương trình truyền hình, phát thanh, ấn phẩm tuyên truyền.

 “Việt Nam cam kết triển khai hiệu quả Công ước Quyền của người khuyết tật cả ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau’, ông Hưng khẳng định.

“Không chỉ là vấn đề công lý mà còn là sự đầu tư cho tương lai”

Tại hội nghị Hội nghị lần thứ 12 các bên tham gia Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD) lần này, Việt Nam đã cùng các quốc gia và tổ chức đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai Công ước, bảo đảm người khuyết tật được công nhận, tôn trọng và tham gia đóng góp cho xã hội như xây dựng các chiến lược và chương trình về nâng cao nhận thức, trong đó có tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao với sự tham gia ngày càng rộng rãi của người khuyết tật, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, học bổng, đào tạo giáo viên, hỗ trợ vốn để bảo đảm cơ hội học tập và làm việc cho người khuyết tật.

{keywords}
Việt Nam cam kết triển khai hiệu quả Công ước Quyền của người khuyết tật

Góp bàn về những thay đổi nhận thức, luật pháp và chính sách để bảo đảm quyền, cơ hội và phẩm giá cho người khuyết tật, Việt Nam và các nước cùng nhất trí, các quốc gia thành viên CRPD sẽ tiếp tục chung tay, cùng các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác khác, hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện thành công các mục tiêu của Công ước, để người khuyết tật được hưởng các cơ hội bình đẳng, có tiếng nói trong các tiến trình ra quyết định và những lợi ích thực sự trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trước những chuyển biến nhanh chóng của thế giới, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ để hỗ trợ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật như tạo thuận lợi cho di chuyển của người khuyết tật, nhà ở thông minh, các thiết bị hỗ trợ nghe, nhìn, giao tiếp với chi phí hợp lý, qua đó góp phần xóa bỏ các thách thức về phân biệt đối xử, bất bình đẳng, nghèo đói, nâng cao khả năng độc lập cũng như sự tham gia, đóng góp của người khuyết tật. 

Bởi vì, “sự tham gia của người khuyết tật là một trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, hiện thực hóa các quyền của người khuyết tật không chỉ là vấn đề công lý mà còn là sự đầu tư cho tương lai của tất cả chúng ta’, đúng như thông điệp mà Tổng Thư ký Antonio Guterres đã phát biểu.

Hải Anh