Theo định nghĩa của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vườn quốc gia (VQG) là khu vực tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo; được sử dụng cho việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái.
Tính đến nay Việt Nam có 33 vườn quốc gia với tổng diện tích khoảng 10.665,44 km² (trong đó có 620,10 km² là mặt biển), chiếm khoảng 3% diện tích lãnh thổ đất liền; VQG mới nhất là Tà Đùng được thành lập vào ngày 8/2/2018 thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Hiện có 7 VQG thuộc các huyện đảo hoặc tiếp giáp với biển. Kể từ Bắc xuống Nam, đầu tiên là VQG Bái Tử Long thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đây là một trong bảy vườn quốc gia của Việt Nam vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển. Tổng diện tích 15.783 ha (diện tích các đảo 6.125ha, mặt biển 9.658ha) có nhiều loài động thực vật quý hiếm sinh sống trong vườn rừng và vùng biển tại khu vực này.
Tiếp đến là VQG Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng có tổng diện tích 16.196,8ha; vườn mang nét đặc trưng của cả 3 hệ sinh thái điển hình của Việt Nam, gồm: hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển.
Kế đến là VQG Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định nằm trong khu vực bờ biển thuộc lưu vực sông Hồng, ngay tại cửa sông Hồng đổ ra biển (cửa Ba Lạt). Khu vực VQG Xuân Thủy bao gồm: Cồn Ngạn, Cồn Lu và Cồn Xanh. VQG Xuân Thủy được công nhận là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, đầu tiên của Đông Nam Á.
Vào nam miền Trung, chúng ta có VQG Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có 3 mặt giáp biển với chiều dài đường bờ biển 57km; tổng diện tích 29.865 ha; trong đó phần diện tích trên biển là 7.352 ha. Tài nguyên biển rất đa dạng với trên 350 loài san hô, có quần thể rùa biển đến sinh sản gồm đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa.
Cực nam của Tổ quốc là VQG Mũi Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên 41.862 ha, trong đó phần ven biển 26.600 ha. Ngày 13/4/2013, tổ chức Ramsar đã trao bằng chứng nhận VQG Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới.
Ngoài 5 VQG trên đất liền tiếp giáp biển, Việt Nam còn có 2 VQG hải đảo gồm VQG Côn Đảo và VQG Phú Quốc.
VQG Côn Đảo gồm 14 đảo nằm trong quần đảo Côn Sơn, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu; có diện tích là 15.043 ha (phần trên đảo là 6.043 ha và phần biển là 9.000 ha). Các rạn san hô và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi có nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển ...
Trong khi đó, VQG Phú Quốc thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích 31.422 ha; nơi đây đã thu hút nhiều khách du lịch nhờ cảnh đẹp thiên nhiên và những bãi biển hoang sơ.
Điều đáng mừng hơn là các VQG nói trên và đặc biệt là 7 VQG có biển đều được các địa phương xếp vào danh mục ưu tiên và trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế biển, lấy du lịch biển làm mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, những VQG này ngoài vai trò trung tâm hạt nhân cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế nó còn là những khu bảo tồn thiên nhiên cần được các địa phương giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt, tránh bị xâm hại trong quá trình khai thác.