Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Viện Năng lượng tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện về sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và tiềm năng sử dụng tại Việt Nam, trong đó trọng tâm đánh giá cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
Nhận thức rõ mối đe dọa của biến đổi khí hậu và mục tiêu cần phải giảm phát thải, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 5,7% trong thập kỷ này, Việt Nam đã có lộ trình để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của quốc gia một cách bền vững, trong đó năng lượng tái tạo đáp ứng 47% nhu cầu điện năng vào năm 2050.
Hydro xanh đã nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình toàn cầu theo đuổi một tương lai xanh hơn. Sản xuất hydro, được kích hoạt từ việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo và giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió, mang lại nhiều hứa hẹn cho các nước đang phát triển như Việt Nam.
Các ứng dụng của hydro xanh rất rộng lớn, từ giao thông vận tải đến khử các-bon trong các ngành công nghiệp như thép, hóa chất, và trộn nó vào mạng lưới khí đốt tự nhiên hiện có để sưởi ấm trong các tòa nhà.
Nhóm Đối tác Quốc tế bao gồm G7, EU, Đan Mạch và Na Uy, trong Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) và Việt Nam, đã xác định sản xuất hydro xanh là ưu tiên chính trong Tuyên bố Chính trị của JETP.
Tuy nhiên, sản xuất và sử dụng hydro xanh là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam, cần có khung pháp lý toàn diện, nghiên cứu và phát triển công nghệ nhiên liệu hydro xanh cũng như mức tiêu thụ tiềm năng trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Báo cáo đánh giá đã đưa ra 3 kịch bản sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo; đánh giá năng lực sản xuất tiềm năng và chi phí bình quân cho hydro quy dẫn (LCOH).
Ngoài ra, báo cáo đưa ra phân tích kinh tế và thống kê dựa trên dữ liệu mới nhất về dự báo điện trong nước và điện tái tạo, ước tính nhu cầu hydro và amoniac xanh tại thời điểm hiện tại và tương lai, cũng như các cuộc thảo luận về chính sách quốc gia và khung pháp lý cần thiết để phát triển hydro xanh.
Để giải quyết vấn đề tiềm năng sản xuất hydro từ quá trình điện phân nước tại Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: "Đầu tiên, nghiên cứu và phát triển là rất quan trọng để xác định tiềm năng các trường hợp sử dụng tiềm năng, tiềm năng khử cacbon, nâng cao hiệu quả, giảm chi phí các công nghệ sản xuất hydro xanh, đặc biệt là sự cần thiết sử dụng hydro xanh, amoniac xanh trong các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, các ngành công nghiệp như thép và hóa chất ở Việt Nam.
Hai là, phát triển của hydro xanh sẽ đòi hỏi một khung chính sách và quy định rõ ràng với những nỗ lực phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp, học viện và xã hội dân sự để thực hiện quá trình chuyển đổi từ nguyên liệu thô có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.
Cuối cùng, điều quan trọng là phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất, lưu trữ và phân phối hydro xanh một cách an toàn tại Việt Nam.
Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo rằng các máy điện phân cần được đặt tại hoặc gần các cơ sở năng lượng tái tạo của bất kỳ dự án hydro xanh chuyên dụng nào. Hydro phải được lưu trữ trong một hệ thống vật lý hoặc dựa trên vật liệu, mỗi hệ thống có các đặc tính khác nhau".
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng Phòng Môi trường và Phát triển Bền vững, Viện Năng lượng cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được trình bày những phát hiện của đánh giá toàn diện này về sản xuất hydro xanh và những ứng dụng tiềm năng của nó ở Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng, hydro xanh hứa hẹn là nhân tố đóng góp quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”.
Các bên liên quan, đại diện Chính phủ, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu của các học viện và đại diện từ các công ty đã tham dự buổi hội thảo, đóng góp vào việc định hình tương lai năng lượng bền vững của Việt Nam.