Lên sóng chương trình “Việt Nam đa sắc” tối ngày 13/12 là ngôi làng có truyền thống lâu đời làm nghề rèn tại Hà Nội: làng rèn Hòe Thị.

Những bếp lửa đỏ cùng với những tiếng đe, tiếng búa dù có hơi “đinh tai nhức óc” nhưng đã trở thành một điều quen thuộc, gắn bó với người dân làng rèn Hòe Thị từ hơn trăm năm nay. Trải qua bao thăng trầm, nghề rèn vẫn là lẽ sống, là công việc nuôi sống hàng trăm con người nơi đây.

Chia sẻ với ekip chương trình, anh Vũ Đình Cương - thợ thủ công chuyên rèn dao kéo tại làng rèn Hòe Thị cho hay, công việc làm dao kéo tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không hoàn toàn như thế. Trước đây, nghề rèn dao kéo hoàn toàn làm thủ công. Ngày nay, với sự hỗ trợ của các loại máy móc hiện đại, công việc cũng bớt cực nhọc hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để sáng tạo ra mỗi sản phẩm riêng thì vẫn cần đến sự tài hoa của mỗi người thợ rèn.

image001.png

“Thép được dùng làm dao là nhíp xe ô tô cán mỏng. Tôi dao là công đoạn quan trọng nhất. Công thức pha nước tôi dao được giữ bí mật trong các gia đình”, anh Cương chia sẻ.

Đối với anh Nguyễn Thế Thắng, nghề làm dao kéo đã giúp anh nuôi sống gia đình bao năm nay. Anh cho hay, nghề làm dao kéo này đều có bí quyết riêng của mỗi gia đình mà không thể truyền ra ngoài được. Sản phẩm nào cũng đều làm từ cái nhíp nhưng sự khác nhau nằm ở tinh túy của tay nghề, con mắt nhìn cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp của thợ làm rèn.

image002.png

Để trở thành một người thợ rèn đích thực đòi hỏi người học nghề phải có thời gian dài học hỏi, ngoài ra cần phải có sự hiểu biết, chịu khó lắng nghe và biết tiếp thu. Đức tính kiên trì là điều rất quan trọng trong quá trình làm nghề. Phải kiên trì, tỉ mỉ thì mới đảm bảo được kỹ thuật cũng như sự bền vững của sản phẩm.

Là nghề làm thủ công, “cha truyền con nối”, nghề rèn đối với những người dân ở làng Hòe Thị giống như một “món quà” mà cha ông để lại. Với cái nghề “lấy công làm lãi”, người thợ làm rèn không chỉ làm để kiếm tiền, mà còn là cái tâm của mình. Mỗi một sản phẩm làm ra, sự tin tưởng và đánh giá tốt từ khách hàng là động lực lớn nhất để họ tiếp tục nỗ lực, trau dồi thêm công việc của mình.

image003.png

Thông qua phóng sự ngắn, ekip Việt Nam đa sắc đã mang cho khán giả những góc nhìn chân thật nhất về nghề thợ rèn của làng Hòe Thị - bổ sung thêm vào bộ sưu tập những làng nghề truyền thống của dân tộc Việt.

Thông qua đó, chương trình mong muốn nhấn mạnh những giá trị văn hoá đặc sắc, nổi bật của đất nước để gửi tới khán giả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, ekip sản xuất cũng mong muốn thông qua chương trình có thể giới thiệu những sản phẩm văn hoá nổi bật, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống, tính kế thừa và phát huy.  

image004.png

Theo dõi chương trình Việt Nam đa sắc, khán giả còn có cơ hội được khám phá thêm rất nhiều về văn hóa Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, du lịch, truyền hình, kiến trúc, hội hoạ, nhiếp ảnh, thời trang, xuất bản... Mỗi lĩnh vực đều có những sản phẩm văn hóa riêng biệt, đặc trưng, thể hiện được hồn cốt và bản sắc riêng của mỗi vùng miền. Tất cả tạo nên một bức tranh Việt Nam đa sắc, muôn màu muôn vẻ, thu hút người dân trong và ngoài nước cùng nhau chiêm ngưỡng, khám phá.

Đón xem chương trình Việt Nam đa sắc sẽ được phát sóng vào 21h35 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3.

Mọi thông tin chi tiết tham khảo thêm tại:

Fanpage: https://www.facebook.com/TVAd01

Bích Đào