Nợ công trong ngưỡng an toàn

Báo cáo tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023 của Chính phủ cho thấy nhiều số liệu tích cực về việc vay và trả nợ nước ngoài của Việt Nam.

Việt Nam luôn đảm bảo khả năng trả nợ. 

Các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ (TPCP) có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng. Đối với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. 

Đối với nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Dư nợ vay bằng tiền VNĐ chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022, nợ bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD, EUR, JPY, phù hợp với định hướng nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.

Hiệu quả kiểm soát nợ công an toàn, bền vững trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các tổ chức xếp hạng ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. So với mục tiêu đạt mức xếp hạng Đầu tư đề ra tại Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030, Việt Nam còn cách một bậc đối với thang điểm của S&P và hai bậc đối với thang điếm của Moody’s.

Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín quốc gia cũng như tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Trả nợ nước ngoài đảm bảo

Việc trả nợ của Chính phủ tiếp tục được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm, tỷ giá đồng USD tăng trong khi tỷ giá đồng JPY và EUR giảm mạnh so với tiền VNĐ, góp phần làm kiểm soát quy mô dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ thực tế bằng nội tệ.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2022 ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ của ngân sách trung ương. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 so với thu ngân sách nhà nước khoảng 18-19%, đảm bảo trong phạm vi mức trần 25% được Quốc hội cho phép.

Ngoài ra, tình hình vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia vẫn được duy trì ổn định. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự kiến tình hình thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tố chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2022 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, ước thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn 7,3 tỷ USD, dư nợ vay ngắn hạn tăng khoảng 25% so với cuối năm 2021.

Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2022 dự kiến khoảng 40-41% GDP, đảm bảo mục tiêu trong phạm vi mức trần nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP được Quốc hội phê duyệt. Quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả chiếm khoảng 26-27% GDP.

Về trả nợ nước ngoài của quốc gia, Chính phủ cho biết: Chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2022 (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 6-7%, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã chuyển sang cung cấp vốn vay theo điều kiện kém ưu đãi hơn, sát với thị trường với lãi suất thả nổi.

Thực hiện quy định của pháp luật, các khoản vay mới đều phải được xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, các hiệp định/thỏa thuận vay sẽ được đàm phán, ký kết năm 2022 và các năm tiếp theo dự báo sẽ thu hẹp hơn so với giai đoạn Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ODA, nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Anh Phương, Hữu Khôi, Thu Hằng