Chính phủ nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình, các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới đã chuyển sang cung cấp vốn vay theo điều kiện kém ưu đãi hơn, sát với thị trường với lãi suất thả nổi. Thực hiện quy định của pháp luật, các khoản vay mới đều phải được xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, các hiệp định/thỏa thuận vay sẽ được đàm phán, ký kết năm 2022 và các năm tiếp theo dự báo sẽ thu hẹp hơn so với giai đoạn Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ODA, nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Dư nợ vay bằng VNĐ chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022, nợ bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD, EUR, JPY, phù hợp với định hướng nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc trả nợ của Chính phủ tiếp tục được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm, tỷ giá đồng USD tăng trong khi tỷ giá đồng JPY và EUR giảm mạnh so với tiền VND, góp phần làm kiểm soát quy mô dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ thực tế bằng nội tệ.
Cụ thể, căn cứ tỷ giá bán của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đến thời điểm ngày 20/9, đồng USD tăng 3,9%, EUR giảm 7,9%, JPY giảm 15,8% so với 1/1/2022. Tính riêng tác động tỷ giá của 3 loại tiền trên, nếu áp dụng tỷ giá đồng USD, EUR và JPY ngày 20/9 sẽ làm dư nợ Chính phủ cuối năm 2021 giảm khoảng 50,3 nghìn tỷ đồng (-0,6% GDP năm 2021).
Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2022 ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ của ngân sách trung ương. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 so với thu NSNN khoảng 18-19%, đảm bảo trong phạm vi mức trần 25% được Quốc hội cho phép.
"Các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô", Chính phủ báo cáo.
Áp lực lãi suất tăng
Trong báo cáo nợ công, Chính phủ cũng lưu ý đến áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt đối với nợ bằng USD, và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.
Đối với nợ trong nước, Chính phủ cho biết đến cuối tháng 9/2022 mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ trong nước đã tăng đáng kể trên tất cả các kỳ hạn. Thời gian tới, dự kiến tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, thách thức khó lường.
Các yếu tố tác động tới thị trường trái phiếu có thể là việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát của nhiều NHTƯ các nước; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai nhiều giải pháp điều hành theo hướng thắt chặt chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, nhu cầu vay trái phiếu Chính phủ rất lớn, tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước.
Đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ, các khoản vay bằng USD và các khoản với lãi suất thả nổi chiếm tỷ trọng vừa phải (chiếm tương ứng 40% và 13% dư nợ nước ngoài của Chính phủ).
Tuy vậy, Chính phủ cho rằng các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả chủ yếu bằng USD với lãi suất thả nổi. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí huy động vốn vay nước ngoài của các doanh nghiệp, đặc biệt các khoản vay bằng USD, gây tác động bất lợi đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp có sử dụng vốn vay nước ngoài.
"Bên cạnh đó sức ép giảm giá của VND cũng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và các thành phần kinh tế khác khi quy sang đồng nội tệ, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia", Chính phủ lưu ý.
Dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2023 ở mức 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng (trả gốc khoảng 25.565 tỷ đồng, trả lãi khoảng 8.083 tỷ đồng). Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 23/2021/QH15. |