Năm 2023 đánh dấu tròn 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc. Sau khi Việt Nam được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bởi Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.
Nhiều năm qua, Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm các vấn đề về nhân quyền. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, bảo đảm tất cả người dân được hưởng các quyền con người, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, đồng thời được cụ thể hóa trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc bảo đảm quyền con người, chỉ số phát triển quyền con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2021.
Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế UPR, tỷ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ, chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và mở rộng.
Mới nhất, tại Hội thảo cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị về quyền con người trong lĩnh vực lao động-xã hội theo cơ chế UPR chu kỳ III, diễn ra tại Hà Nội ngày 8/12 vừa qua, nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy quyền con người đã được ghi nhận.
Bà Caithlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện UNDP tại Viêt Nam, khẳng định “Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện những cam kết của chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của Liên hợp quốc... Tôi nghĩ điều này đã được chú trọng ở mọi khía cạnh và thể hiện trong những chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội.”
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch và nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người; trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như việc thụ hưởng quyền con người, song Việt Nam đã nỗ lực và thực hiện 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận với nhiều kết quả nổi bật, đạt nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động, xã hội và bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người.
Là một quốc gia đa tôn giáo với khoảng ¼ dân số theo các tôn giáo, người Việt Nam được tự do lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ các tôn giáo ước khoảng 27 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, khoảng 135.000 chức việc; trên 29.000 cơ sở thờ tự…
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm… Các hoạt động tôn giáo được tổ chức một cách thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo tín đồ và người dân cả nước.
Mới đây nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027, sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đó mới là sự thật không thể xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam.L
Ngày Nhân quyền quốc tế (10/12) năm 2022, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề “Phẩm giá, tự do và công lý cho tất cả mọi người”. Đây cũng là những mục tiêu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Với vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới.
“Quyền con người là trọng tâm của việc giải phóng những gì tốt đẹp nhất trong xã hội của chúng ta. Giúp xây dựng tình đoàn kết. Giúp thúc đẩy hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng. Giúp bảo lãnh tự do. Và đảm bảo sự ổn định lâu dài;" đồng thời nhấn mạnh việc duy trì quyền con người ở mọi khía cạnh vẫn là yếu tố rất quan trọng để viết chương tiếp theo của câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chia sẻ trong chuyến thăm Việt Nam mới đây.
Quyết Thắng, Ngọc Trang,