Việt Nam tiếp tục khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Tại hội nghị Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+) đã được tổ chức vào ngày 3/8 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã có bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới khu vực và đưa ra đánh giá, đề xuất hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác.
Trưởng đoàn Việt Nam cho rằng khu vực và thế giới đang đối mặt với một loạt các thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó đáng chú ý là an ninh hàng hải… Những thách thức này đang xảy ra ở nhiều nơi, gây hậu quả rất nghiêm trọng, vượt quá khả năng đối phó của một quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế.
Về an ninh biển, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch trong giao thương khu vực và thế giới, do đó hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng;
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực chung trong bảo đảm duy trì luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm kết thúc đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tín hiệu tích cực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Vấn đề Biển Đông tiếp tục là chủ đề thường trực trong nghị sự của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, bởi những diễn biến kéo theo nhiều quan điểm khác nhau.
Trong suốt ba thập kỷ, ASEAN đã không ngừng đối thoại cả trong nội bộ lẫn với các đối tác về nhiệm vụ chung đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thông qua trao đổi, thậm chí là cọ xát, và thống nhất được lập chung về tầm quan trọng của kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, tránh các hành động có thể làm xói mòn lòng tin.
Lập trường chung này đã nhận được sự ủng hộ của các đối tác, dẫn đến những tiến triển trong thực hiện Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN đưa ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 hồi tháng 5 vừa qua tại Labuan Bajo của Indonesia cho thấy, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin lẫn nhau, kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Các nước ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Lãnh đạo các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Các nước ASEAN cũng hoan nghênh những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc với những bước tiến trong các cuộc đàm phán thực chất, hướng tới sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, trong thời hạn được các bên thống nhất.
Các nước ASEAN hoan nghênh sáng kiến thúc đẩy đàm phán COC, trong đó có đề xuất xây dựng các hướng dẫn để đẩy nhanh việc hoàn thành sớm một COC hiệu quả và thực chất. Các nước ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và phát huy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán; tiếp tục đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên liên quan nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Đây là "tín hiệu tích cực", tạo đà cho nỗ lực thời gian tới.