Tăng cường các nỗ lực trong khu vực để xác định nạn nhân bị buôn bán hoặc nạn nhân tiềm năng
Tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 diễn ra tại thị trấn Labuan Bajo của Indonesia đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về chống buôn người (TIP) do lạm dụng công nghệ.
Tuyên bố tái khẳng định nhu cầu thúc đẩy phản ứng gắn kết và ngay lập tức của ASEAN trong việc giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai phát sinh từ việc lạm dụng công nghệ và tận dụng tối đa các công nghệ mới và đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác chống TIP do lạm dụng công nghệ thông qua các cơ chế khu vực và sáng kiến khác nhau của ASEAN; sử dụng các công cụ công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm; trao đổi thông tin; tiến hành diễn tập, tác chiến phối hợp cũng như tiến hành điều tra chung.
Tuyên bố cam kết tăng cường các nỗ lực trong khu vực để xác định nạn nhân bị buôn bán hoặc nạn nhân tiềm năng; thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các văn kiện hiện có của ASEAN liên quan TIP, nhằm duy trì sự phù hợp và khả năng thích ứng của ASEAN trước các thách thức; khuyến khích thiết lập tiêu chuẩn bảo vệ tối thiểu ở cấp khu vực cho các nạn nhân của TIP.
Lãnh đạo ASEAN cũng cam kết tăng cường hợp tác chung trong lĩnh vực quản lý biên giới, phòng ngừa, điều tra, thực thi pháp luật và truy tố, bảo vệ, hồi hương, hỗ trợ như phục hồi và tái hòa nhập các nạn nhân.
Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí nâng cao khả năng phòng ngừa quốc gia thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và hệ thống thanh tra lao động, tăng cường kiểm soát xuyên biên giới và quản lý di cư, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến.
Lãnh đạo ASEAN nhất trí cung cấp phản ứng và hỗ trợ ngay lập tức cho các nạn nhân của TIP, bao gồm cải thiện các kênh phối hợp và liên lạc để trao đổi thông tin, cải thiện khả năng tiếp cận hỗ trợ pháp lý, hợp tác với các mạng lưới thực thi pháp luật trong khu vực; đồng thời tăng cường tương trợ tư pháp trong các vụ việc liên quan TIP, thực hiện hiệu quả Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự (AMLAT).
Quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống mua bán người
Hiện nay, các quy định về phòng chống mua bán người được ghi nhận trong nhiều văn bản khác nhau như: Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, Luật tương trợ tư pháp năm 2007, Luật điều ước quốc tế năm 2016, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật trẻ em năm 2016, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác. Kể từ khi tham gia ACTIP, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định của ACTIP thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể, như sau:
Hình sự hoá: Tội “Mua bán người” được quy định tại BLHS năm 1999, tuy nhiên, để phù hợp với ACTIP và các điều ước quốc tế về phòng chống buôn bán người mà Việt Nam là thành viên, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung đối với tội “Mua bán người”, theo đó quy định nhóm tội mua bán người thành 05 tội danh riêng biệt. Điều 150 BLHS năm 2015 quy định 03 dấu hiệu cấu thành cơ bản đối với tội mua bán người: Về thủ đoạn (thể hiện bằng các hành động dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác); về hành vi (chuyển giao hoặc tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao hoặc tiếp nhận); về mục đích (giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác). Có thể thấy, đây là những thay đổi cơ bản của BLHS Việt Nam về tội “Mua bán người” phù hợp với những quy định trong ACTIP, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.
Về hình phạt áp dụng đối với tội “Mua bán người”, mức hình phạt tù theo khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 là từ 05 năm đến 10 năm; theo khoản 2 là từ 08 năm đến 15 năm; khoản 3 là từ 12 năm đến 20 năm, khoản 4 phạt tiền là từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, tại khoản 2, khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015 bổ sung một số tình tiết tăng nặng như: Phạm tội vì động cơ đê hèn, đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có tính chất chuyên nghiệp… Có thể thấy những quy định về mức hình phạt BLHS năm 2015 cao hơn BLHS năm 1999, với những tình tiết định khung tăng nặng bổ sung thêm, phù hợp với quy định của ACTIP. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc đấu tranh với loại tội phạm này.
Phòng ngừa tội phạm: Để phòng ngừa tội phạm mua bán người, các văn bản pháp luật hiện hành quy định tương đối cụ thể về các biện pháp thực hiện, trong đó có biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội buôn bán người; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; thống nhất với các nước có chung đường biên giới về cơ chế phối hợp trong việc trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người, hồi hương đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người…
Bảo vệ và hồi hương nạn nhân: Theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người năm 2011, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân. Đối với hồi hương nạn nhân, nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để nạn nhân là người nước ngoài được trở về quốc gia nơi mà họ mang quốc tịch hoặc nơi thường trú cuối cùng. Các biện pháp áp dụng trong quá trình hồi hương nạn nhân phải dựa trên quy định pháp luật và thoả thuận giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Hợp tác quốc tế: Về nguyên tắc, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia thành viên ASEAN dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền. Việc thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người dựa trên điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, trong đó bao gồm tội phạm mua bán người, Việt Nam đã tham gia Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ASEAN năm 2004 và ban hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007. Theo đó, phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài tập trung vào tống đạt giấy tờ, tài liệu liên quan; triệu tập người làm chứng, giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; trao đổi thông tin và các yêu cầu tương trợ khác về hình sự. Trong các giai đoạn tố tụng của vụ án về mua bán người, khi cần tương trợ tư pháp về một trong những nội dung trên, các cơ quan tiến hành tố tụng lập hồ sơ uỷ thác tư pháp yêu cầu quốc gia có liên quan tương trợ tư pháp.