Dựa trên tổng thời lượng xem YouTube, 5 thị trường lớn nhất của nền tảng chia sẻ video này được xác định là Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
Tăng trưởng của YouTube tại 5 quốc gia này đều đạt trên hai chữ số mỗi năm, thậm chí lên đến 3 chữ số, theo đánh giá của ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google.
Thị trường di động rộng lớn của châu Á - Thái Bình Dương đã mang lại lợi ích lớn cho YouTube. Ảnh: TechRadar. |
"Mức tiêu thụ điện thoại đã thật sự chứng tỏ vai trò xoay chuyển cuộc chơi tại khu vực này", Ajay nói với CNBC tại hội nghị diễn ra ở Bali, Indonesia.
Châu Á là quê hương của những thị trường tiêu thụ điện thoại lớn nhất toàn cầu như Ấn Độ và Indonesia. Sự phát triển của hạ tầng kết nối Internet tốc độ cao ở khu vực này cũng giúp cho người dùng dễ tiếp cận hơn với video so với trước đây.
Cũng theo Vidyasagar, 2 thị trường có tốc độ chuyển đổi xem video từ máy tính sang thiết bị di động nhanh nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc,nhưng những nơi khác cũng đang dần bắt kịp.
"Trong vài năm qua, những gì chúng ta thấy ở các thị trường như Ấn Độ thực sự đáng kinh ngạc", Ajay phát biểu. "Hiện tại có gần 85% lượng người xem video tại Ấn Độ thông qua điện thoại. Năm ngoái chúng tôi đã có mức tăng trưởng đến 3 con số trên thiết bị di động, mức cao nhất trong tất cả các thị trường". Điều tương tự cũng đúng với khu vực Đông Nam Á, tại các quốc gia như Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, YouTube và các nền tảng chia sẻ video khác cũng vấp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nội dung sai lệch, phản cảm và vi phạm quy định của quốc gia sở tại.
Tại Ấn Độ, tòa án đã yêu cầu cấm cửa ứng dụng chia sẻ video di động TikTok vì chứa đựng nội dung khiêu dâm. TikTok đạt 300 triệu lượt tải tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, 250 nhân viên của hãng tại thị trường này có nguy cơ mất việc sau lệnh cấm.
Để đảm bảo nội dung trên nền tảng tuân thủ đúng quy định, YouTube và những mạng xã hội khác như Facebook phải đầu tư mạnh cho công cụ kiểm duyệt, bao gồm cả dùng một lượng lớn nhân viên kết hợp trí tuệ nhân tạo.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây YouTube cũng vướng vào bê bối liên quan đến việc để lọt các nội dung phản cảm, nhảm nhí; mập mờ, dung túng cho đối tác thao túng hệ thống kênh của nhà sáng tạo nội dung.
Đơn vị này cũng tỏ ra mập mờ trong việc xử lý các MCN (mạng đa kênh) có hành vi vi phạm chính sách như Yeah1.
Theo New York Times: "Với khối lượng nội dung khổng lồ, YouTube quản lý không xuể nên phải nhờ cậy đến nguồn lực của network trong khâu kiểm duyệt. Quan hệ kiềng ba chân phân chia doanh thu quảng cáo giữa YouTube, người dùng và network, trong nhiều trường hợp YouTube trực tiếp tài trợ cho người tạo ra những nội dung kích động hận thù, gây nghiện ma túy hoặc khủng bố".
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD. Riêng Google và Facebook chiếm 66,7% thị phần quảng cáo tại Việt Nam và hoàn toàn không đóng thuế.