Cùng với những nỗ lực của khu vực, Việt Nam đã hiện thực hoá các cam kết thông qua đảm bảo nhiều chính sách đối với phụ nữ và đạt được nhiều kết quả trong thực tiễn. Với lực lượng lao động nữ đạt 23,5 triệu người, chiếm 46,5% lực lượng lao động của cả nước, Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm.

minhhoa
Ảnh minh hoạ

Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đạt 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia, năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (đạt 30,26%); Phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong các quốc gia Đông Nam Á có tốc độ khắc phục khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Quyền bình đẳng thực chất của phụ nữ ngày càng được bảo đảm hơn, nhận thức xã hội về bình đẳng giới đã có sự cải thiện, từng bước khắc phục tệ phân biệt đối xử với phụ nữ từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội; tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện (năm 2022, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ y tế là hơn 90%); tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học ngày càng tăng, hiện ở mức cao và cân đối.