Việt Nam luôn sát cánh cùng nhân dân Palestine trên chặng đường gian nan thực hiện quyền dân tộc tự quyết bất khả xâm phạm và ủng hộ Palestine sớm gia nhập Liên Hợp Quốc.
Ngày 13/5 (giờ New York), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tiếp tục họp phiên khẩn cấp đặc biệt về hình hình Trung Đông và vấn đề Palestine.
Phiên họp được triệu tập sau khi dự thảo Nghị quyết về việc kết nạp Palestine bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an ngày 18/4. Theo quy định tại Điều 4 của Hiến chương LHQ, việc kết nạp một thành viên mới phải được Hội đồng Bảo an thông qua trước khi đệ trình Đại hội đồng quyết định.
Đa số các nước tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình xung đột và nhân đạo tại Gaza trước các diễn biến mới phức tạp gần đây và nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực; hoan nghênh Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết mới trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước quan sát viên của Đại hội đồng.
Các nước cũng đánh giá nghị quyết mới được thông qua là bước đi quan trọng hướng tới việc kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ của LHQ, góp phần thúc đẩy thực hiện giải pháp “hai nhà nước” nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ có bài phát biểu về lập trường của Việt Nam tại phiên họp.
"Sau hơn 7 tháng xung đột ở Gaza, triển vọng hòa bình vẫn còn xa vời. Nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh khu vực đang tăng lên trong bối cảnh các cường quốc quân sự trong khu vực đối đầu trực tiếp. Bạo lực không có dấu hiệu suy giảm, số dân thường thương vong vẫn chưa dừng lại", Đại sứ mở đầu bài phát biểu.
Việt Nam quan ngại sâu sắc trước tình trạng thù địch và căng thẳng gia tăng này. Đặc biệt, chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah nếu xảy ra sẽ gây tổn thất không thể tưởng tượng được đối với thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.
Việt Nam cực lực lên án mọi hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào.
Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại và tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và các nghị quyết liên quan của LHQ: "Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và bạo lực, và thả tất cả con tin vô điều kiện. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị thực thi mọi biện pháp nhằm bảo đảm hoạt động viện trợ nhân đạo không bị cản trở...".
Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao đang được triển khai hướng tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Gaza nhằm chấm dứt thương vong và đau khổ cho dân thường.
Về lâu dài, một giải pháp bền vững, công bằng và hòa bình cho cuộc xung đột ở Gaza và Tiến trình hòa bình Trung Đông chỉ có thể đạt được thông qua giải pháp hai Nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ.
"Việt Nam luôn sát cánh cùng nhân dân Palestine trên chặng đường gian nan thực hiện quyền dân tộc tự quyết bất khả xâm phạm và ủng hộ Palestine sớm gia nhập LHQ.
Tình đoàn kết lâu năm và sự ủng hộ kiên định này bắt nguồn sâu xa từ cuộc đấu tranh chung và lâu dài vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự do và hạnh phúc của hai dân tộc", Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Đại sứ nhắc đến quá khứ, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài và khó khăn để được kết nạp làm thành viên LHQ. Thế nhưng, không rào cản và trở ngại nào có thể đảo ngược dòng chảy của lịch sử và ngăn cản đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình gia nhập LHQ vào năm 1977.
"Những khát vọng chính đáng về hòa bình, phát triển và bình đẳng của hàng triệu người Palestine không thể bị chối từ. Việc Palestine gia nhập LHQ với tư cách thành viên đầy đủ sẽ đóng góp tích cực cho giải pháp hai Nhà nước vì nó đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán thực chất trên cơ sở bình đẳng giữa các bên. Đó sẽ là một bước quan trọng hướng tới đạt được hòa bình và ổn định bền vững ở Trung Đông và trên thế giới", Đại sứ chia sẻ.
Trước đó, sáng 10/5, Đại hội đồng LHQ đã thảo luận và xem xét dự thảo Nghị quyết do Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giới thiệu về việc trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước quan sát viên của LHQ.
Việt Nam là một trong số 77 nước tham gia đồng bảo trợ và 143 nước bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết mang tính lịch sử đối với Nhà nước Palestine.